mà một người Mỹ thông minh vừa phải đã biết khi mới đôi mươi. Cái mặt
nạ thường được gỡ ra và tôi có thể thở được.
Lũ học trò của tôi trải lòng chúng trên các bài viết và trong những cuộc
thảo luận và tôi được dẫn đi, qua những trang văn ấy, một vòng đời sống
của một gia đình Mỹ, từ những ngôi nhà ở East Side tới khu chung cư ở
Phố Tàu. Đó là một đám rước của dân bản địa và dân mới nhập cư, đâu đâu
cũng có rồng và ma quỷ.
Phyllis viết bài kể chuyện gia đình cô bé đã tụ họp nhau như thế nào vào
buổi tối Neil Armstrong
[150]
đáp xuống mặt trăng, mọi người chạy như
thoi ra sao giữa phòng sinh hoạt có đặt máy truyền hình và phòng ngủ là nơi
ông bố đang hấp hối. Chạy ra rồi lại chạy vào. Ai cũng lo cho ông bố nhưng
lại không muốn hụt cảnh đáp xuống mặt trăng. Phyllis kể em đang ở bên
cạnh bố thì mẹ em gọi ra xem Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Em chạy
ra phòng sinh hoạt, ai nấy reo hò và ôm chầm lấy nhau, cho tới lúc em cảm
thấy điều bức xúc ấy, điều bức xúc quen thuộc ấy, em vội chạy vào phòng
ngủ thì thấy bố đã đi rồi. Em không gào, không khóc mà lo không biết phải
quay ra phòng sinh hoạt báo thế nào cho những người đang sung sướng kia
rằng bố đã vĩnh viễn ra đi.
Giờ đây em đang òa khóc trước cả lớp. Phải chi em trở về chỗ của em ở
bàn đầu. Tôi mong em quay về chỗ, vì tôi lúng túng không biết phải làm gì.
Tôi đi tới bên em, quàng tay trái lên vai em. Nhưng chưa đủ. Tôi kéo em sát
lại, ôm bằng cả hai tay, để em thổn thức trên vai tôi. Những khuôn mặt
trong lớp đầm đìa nước mắt, cho tới khi có em nào đấy kêu lên Phyllis, hết
sẩy, rồi một đôi em vỗ tay, rồi cả lớp vỗ tay hoan hô khiến Phyllis quay
khuôn mặt đẫm nước mắt nhìn các bạn mỉm cười, rồi khi tôi dẫn em về chỗ
thì em quay người vuốt má tôi. Tôi nghĩ vuốt má chứ có phải động đất đâu,
nhưng tôi sẽ không bao giờ quên câu chuyện về Phyllis, ông bố quá cố của
em và Amstrong đặt chân lên mặt trăng.
Nghe đây. Các em có nghe không nào? Các em không chịu nghe. Thế
thì thầy nói với những em nào trong lớp này thích viết văn vậy.