Một ông ở tầng trên nằm chết trong bồn tắm, nước trào ra lênh láng làm
hỏng hết bài làm của cháu Roberta để trên bàn.
Anh của cháu tức giận cháu nên đã quăng bài luận của cháu ra ngoài cửa
sổ, giấy bay tứ tung khắp Staten Island, thật là chuyện đáng tiếc vì người ta
sẽ đọc và hiểu sai, trừ khi họ đọc cả đoạn cuối là đoạn giải thích tất cả.
Cháu đã làm xong bài luận thầy cho, nhưng khi ngồi trên phà cháu giở
ra xem thì lại có một cơn gió to thổi tới cuốn bay hết.
Chúng tôi bị cưỡng bức rời khỏi căn hộ, viên cảnh sát trưởng đốn mạt
bảo rằng nếu con trai tôi cứ gào đòi tập bài làm thì y sẽ bắt giam cả nhà.
Tôi hình dung tác giả những bức thư xin lỗi này ngồi trên xe buýt, xe
lửa, phà, trong quán cà phê, trên băng ghế trong công viên tìm cách nghĩ ra
những lời xin lỗi mới mẻ hợp lý rồi viết như chúng tưởng bố mẹ sẽ viết.
Chúng đâu biết rằng thư xin lỗi thành khẩn của phụ huynh thường tẻ
ngắt. “Peter đến trễ vì đồng hồ báo thức không reo chuông.” Thư xin lỗi
kiểu ấy thì ngay cả một chỗ trong thùng rác cũng không xứng đáng có.
Gần cuối niên khóa, tôi đánh máy một tá thư xin lỗi lên giấy than rồi
phân phát trong hai lớp lớn nhất của tôi. Chúng đọc, lặng lẽ và chăm chú.
Ơ, thầy McCourt, cái gì thế ạ?
Thư xin lỗi đấy.
Thư xin lỗi gì ạ? Ai viết?
Các em đấy, hay một số em đã viết đấy. Thầy xóa tên đi để che chở thủ
phạm. Đáng lý phải là bố mẹ các em viết, nhưng các em và thầy biết ai là
tác giả thật sự. Ừ, Mickey?
Thế chúng em phải làm gì với những thư xin lỗi này?
Chúng ta sẽ đọc lớn lên. Thầy muốn các em biết rằng lớp ta là lớp đầu
tiên trên thế giới từng nghiên cứu nghệ thuật viết thư xin lỗi, là lớp đầu tiên
từng tập viết thư xin lỗi. các em nên thấy may mắn vì có được một thầy
giáo như thầy đã biến bài văn tuyệt vời nhất của các em, những thư xin lỗi,
thành một đề tài đáng học tập.
Chúng mỉm cười. Chúng biết. Chúng tôi cùng hội cùng thuyền. Đều là
những kẻ phạm tội cả.