2
CHUYỆN THẦY QUANG TÌNH phải bỏ nghề gõ đầu trẻ cũng giản dị
tương tự. Thầy vốn là ông giáo say lý tưởng, mê văn chương nghệ thuật.
Mười chín tuổi đầu, theo tiếng gọi của con tim, thầy rời quê hương đem
ánh sáng lên miền núi. Sau mười năm liền lăn lóc trên các làng Giáy, bản
Mèo, động Dao... đem cái chữ đến cho con em các dân tộc, như cách nói
bình dân của dân chúng, để lại dấu ấn bóng hình người thầy tận tụy tin yêu
trong lòng bà con, thì được điều về dạy tại một trường Bổ túc Văn hóa
Công Nông của tỉnh, học viên thuần là cán bộ và con em các dân tộc xuất
thân từ giai cấp cần lao. Ở đây thầy vẫn như cờ bay trong gió, lửa thốc
trong lò, ngày đêm sống trong nguồn mạch hào hứng vô tận, vì lòng tràn
đầy khát khao vươn tới sự hoàn thiện đẹp đẽ nhất: trở thành một thầy giáo
dạy giỏi, một con người đa năng có ích cho đời. Thầy, một ngôi sao sáng,
một dấu son trong tập thể. Thầy, một thần tượng của lớp lớp các học sinh
trong nhà trường. Chưa hết! Vốn nòi văn mạc, đã si mê đến mức lân la vào
địa hạt sáng tác văn thơ quốc thổ, thầy lại ham mê cả thi ca quốc ngoại. Đã
bập bẹ chữ Hán, vì được ông cụ thân sinh dạy dỗ từ tuổi ấu thơ, giờ lại
thích thú cả ngôn ngữ nước Hồng Mao. Và rầy rà hóa ra là khởi nguồn từ
chỗ này đây. Từ trong lịch sử xa xôi, đất nước này vốn thường có chuyện
cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với cái anh bành trướng phương bắc, nay
lại đang là lúc đối đầu với tên sen đầm quốc tế Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Đang là thời kỳ chiến tranh. Bầu trời ngày đêm gầm gào tiếng Con Ma,
Thần Sấm của giặc Mỹ. Vậy mà chẳng hiểu thế nào, hay là có sự sắp xếp
của ông Tạo, ở phố huyện miền sơn cước nơi trường thầy ký túc, lại mọc
lên một ngôi biệt thự; và ở đó cứ như từ trên trời rơi xuống một gã chuyên
gia người Anh Cát Lợi tên John Frakel. Gã này sang Việt Nam làm chuyên