- Nhớ cho, không đè, không ấn, cứ kéo đẩy tự nhiên. Tự nhiên tự tạo ra
sức mạnh để lưỡi cưa khắc bám vào mạch. Vít xuống là nó không ăn vào
gỗ đâu, thầy. Ấy thế, cưỡng bức thì cái gì cũng hỏng mà thầy. Hề hề...
Xoa xoa hai bàn tay, ông Văn Chỉ cười vì cách nói gần xa ẩn dụ của
mình, rồi lại ghé sát vào thầy:
- Thầy cứ tiếp tục đi. Xong bài cưa ngang này ta sẽ sang bài cưa dọc.
Cưa dọc hiển nhiên là khó hơn một bậc rồi. Đường cưa lúc đó sẽ dài hơn.
Xẻ đôi một tấm gỗ dày cả hơn chục phân mà mặt cưa vẫn phẳng lì thì hai
cánh tay đưa đẩy phải thật lực mà lại phải rất đều hòa. Và người thợ ít nhất
cũng phải là một kẻ có sức bền, có đức tính nhẫn nại và tập trung tư tưởng,
thầy giáo ạ.
Nắng vừa loe. Ngoài sân rải một sắc vàng màu bột ngô. Không gian
thoang thoảng mùi mạt cưa thơm thơm hăng hắc hòa lẫn với mùi vécni
thơm sực vừa mộc mạc vừa kiêu kỳ từ cuối xưởng phả lên.
Rì rì rì ri... Lưỡi cưa đến đoạn cuối chạy chậm rì. Mạt cưa li ti rắc bụi
hồng. Trạng thái tê tê moi mỏi đã thấy ở bắp tay, thầy Quang Tình nghĩ:
Mình đúng là loại dài lưng tốn vải rồi.
- Thầy Quang Tình này.
Dừng tay cưa, ngẩng lên, thầy Quang Tình đã nhận ra hai con mắt nhỏ
của ông Văn Chỉ đang nhó nháy, tinh nghịch xoi xói cái nhìn vào khuôn
mặt đang lấm tấm mồ hôi của mình:
- Thầy có công nhận, anh chàng nào nó phát minh ra cái từ cưa hay là
cưa cẩm để nói lên cái ý con trai tán tỉnh con gái phải nói là tài tình không!
Có nhẽ nó phải là một tay thợ mộc.
- ...
- Ừ, cưa. Cưa tức là phải kéo đi kéo lại. Thứ nhất đẹp trai. Thứ hai chai
lì. Nghĩa là cứ cà rầm cà rì ngày này qua ngày khác. Thật kiên trì nhẫn nại.
Như anh thợ cưa ấy. Cho đến khi cái cây rắn như lim như sến táu ấy mãi rồi
cũng đến lúc răng rắc kêu, rồi nó trở mình, quay lông lốc rồi đổ đánh ùm.
Khề khề... Mà thầy ơi, cưa đổ được một cái cây ở miền rừng sơn cước thật