NGƯỜI THỢ MỘC VÀ TẤM VÁN THIÊN - Trang 21

4

CON SUỐI NGUỒN từ trên núi cao, nơi sinh sống của những khu rừng

thông lão đại, về tới đây đã hóa già, chầm chậm lượn vòng qua khu đồng
lúa, giữa đôi bờ xanh rườm cây cỏ.

Chẳng có vật gì nơi đây mà không nhuốm màu xưa cũ. Tuy nhiên, kỳ lạ

đến mức cổ tích lại chính là cây cầu mây bắc qua dòng suối lớn. Nó khiến
thầy Quang Tình phải ngỡ ngàng. Chẳng có một cây cầu nào giàu chất lãng
mạn mà lại nghiêm túc, chặt chẽ với khái niệm đến thế. Đã là trâu thì đúng
chỉ là trâu. Là ngựa thì cũng phải đúng là ngựa. Cầu mây thì chỉ được làm
nên từ song mây. Chỉ rặt song mây thôi. Thậm chí là gỗ cũng không được
tham dự. Thoạt kỳ thủy là bốn sợi song đại, loại song đá, cứng như dây cáp
thép, dàn hàng ngang chạy qua mặt suối, níu vào hai gốc mít rừng ở hai bên
suối. Tiếp đó, mây nếp dẻo vàng ngà họp thành những tấm đan, rải khít rịt
nhau, tạo thành một mặt cầu vừa mềm mại vừa dai bền. Cầu mây như áng
mây trời vĩnh cửu cả trăm năm đung đưa trên dòng nước trong văn vắt như
đã được lọc qua hàng thế kỷ. Hiện lên trước mắt thầy Quang Tình, chúng là
các tạo vật thay mặt cho người làng Nhuần ra đón thầy.

Thầy Quang Tình xuống ngựa. Con ngựa trắng này là của Rúm, con

trai cả cụ Lục Đình Hoàng, nguyên châu úy khu tự trị người Giáy hồi thực
dân Pháp còn cai quản đất này. Cụ Hoàng làm quan nhưng thương dân,
được dân làng coi như người cha già làng bản.

Đi đón thầy Quang Tình là một người đàn ông trung niên vóc hình tầm

thước, nhưng từ gương mặt đến thân mình, tứ chi đều rất gân guốc, tráng
kiện, tên là Lục Đình Siểu. Vừa đi anh vừa nói chuyện với thầy Quang
Tình về dân tộc mình. Anh Siểu rõ là một pho tri thức của dân tộc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.