màu hồ thủy, áo tím bồ quân, cài khuy bên sườn, cổ áo, nẹp tay, viền nẹp
trắng, cô nào cô nấy đều ướt rượt. Thấy thầy Quang Tình, các cô cùng đồng
thanh:
- Chúng em chào thầy giáo ạ. Thầy Quang Tình ngất ngơ:
- Sao biết tôi là thầy giáo?
Díu vào nhau các cô cười khúc khích. Một cô bảo:
- Anh Siểu nói thầy về mở trường cấp hai cấp ba. Hỏi tiếp:
- Đi đâu về mà áo quần ướt rượt cả thế?
Bấy giờ các cô mới cười tóa lên, vẻ ngượng nghịu, cho biết là đi hái rau
piệc cút, tức rau dớn theo tiếng Kinh, rồi ào ào chạy tới phía trên dòng
mương nước để chạy cối gạo, cùng òa ập dầm mình xuống, để lại thầy
Quang Tình với con ngựa bạch đang cùng nhau ngơ ngẩn ngẩn ngơ. Một
dòng suối mát. Một bờ cây xanh. Tiếng chày gỗ buông rơi. Và cả triệu triệu
hạt gạo trong các cối nước đang trật vỏ phô lộ thân mình ngà ngọc thơm
lừng cả một triền suối buổi trưa ngả chiều.
*
Nhà người Giáy cao rộng, thoáng đãng ba gian liên thông. Gian giữa đặt
ban thờ. Ngang nách cây cột cái bên ban thờ gài cum thóc đã mốc xám.
Tương truyền thóc này để được một trăm năm sẽ thành tiên dược. Mâm
cơm đặt trên cái bàn gỗ vuông với những chiếc ghế mây cốt song mặt tròn
vây quanh. Đĩa thịt lạp có hương vị khói bếp. Bát rau piệc cút xanh ngọt lự.
Cơm tẻ ăn hàng ngày luộc qua trong chảo nước rồi vớt ra cho vào chõ gỗ
đồ như người dưới xuôi đồ xôi. Nước gạo luộc chắt ra dựng trong liễn sứ
dùng làm canh chan cơm, để người uống và cho lợn ăn. Hạt cơm đồ trắng
bông, nhàn nhạt nhưng dẻo mềm. Pò Rúm, bố anh Siểu, ngồi ở cạnh ban
thờ, đúng vị trí chủ nhà, mỗi lần nhấc chén rượu lại liệng sang phía thầy
Quang Tình, nhỏ nhẻ thân tình: “Lấy rau đi, thầy giáo!” Thoạt đầu, thầy
Quang Tình lấy làm lạ. Mâm cơm có rau đâu. Toàn thịt gà thịt lợn. Hóa ra
với người già, rau có nghĩa là thức ăn nói chung. Cô con dâu, tức vợ anh
Siểu, đứng khép nép ở phía bếp, dõi theo bữa ăn, thấy món nào vơi là vội