- Thầy giáo hút đi. Thuốc bào nhẹ thôi mà.
- Cho bải pò!
- A, thầy biết nói cám ơn bằng tiếng Giáy tôi rồi à?
Thầy yêu người Giáy tôi rồi đấy.
- Đó là nhờ anh Siểu lúc đi đường dạy mà, pò.
Thầy Quang Tình đáp, mặt ưng ửng đỏ. Vẻ mặt tươi tỉnh, pò Rúm ôm cái
ống điếu vào lòng, xởi lởi:
- Bố Sần Cồ Lỉn là Sần Sào Lủng đã từng là nghĩa quân của tướng Cờ
đen Lưu Vĩnh Phúc đấy, thầy giáo à. Nhưng bố con nhà ấy chó đen giữ
mực, giống tổ phụ họ, thấy cái lợi dù có là thầy cũng dám làm phản. Năm
Pháp đem quân đánh chiếm Lao Cai, họ theo hàng, không dám tham gia
trận đánh Tây ở thác Rải Cúi như cụ Lục
Đình Hoàng châu úy họ Lục chúng tôi. Dà, ông ta chết, mắt mở tráo
trưng. Theo ông bố sang viếng, tôi còn thổi kèn pỏ le trong đám tang, tôi
thấy mà. Chà, mười hai ngày đêm cúng ma tươi, hết thổi điệu đen lại lẫn
sang cả điệu đỏ, tôi mệt muốn chết. Họ không như họ Lục bên này theo Cụ
Hồ từ đầu chí cuối đâu.
Trước sau một bữa cơm chiều, nghe anh Siểu và pò Rúm nói, thầy
Quang Tình đã hiểu thêm chút ít về dân tộc Giáy ở đây. Ở nhà ông gần
tháng trời trước khi chuyển sang túp nhà ở đầu hồi lớp học mới dựng, sau
này thầy Quang Tình còn hiểu rõ hơn cốt cách và tài năng ông. Là cái túi
khôn chứa đầy tri thức dân gian, thông thạo việc đời, hiểu biết việc ma quỷ,
pò Rúm còn là người thổi kèn pỏ le kỳ tài. Người làng gọi ông là pẩu sray
tức thầy kèn. Cây kèn đồng có lưỡi gà chỉ là cái cuống rạ giản đơn, qua
miệng ông thổi biến hóa thành cả trăm điệu. Từ điệu dành cho việc đỏ: đám
cưới xin, ăn hỏi, hội hè, tới các điệu dành cho việc đen như việc tang lễ ma
chay. Cây kèn có một linh hồn thần thánh. Nó có một bàn thờ riêng, bàn
thờ thần kèn.
Người Giáy có phong tục cúng lễ Then (theo tiếng Giáy là Trời, là
Thượng đế). Bà Rúm lúc còn trẻ là cô gái xinh nhất làng, lại cũng là bà