một vài động tác của người học việc là ông có thể biết ngay tư chất của
người đó.
Chí chát! Chí chát! Kìa, hãy nhìn chiếc dùi đục gỗ nghiến nâu đen nặng
chịch gõ đều đều nhịp hai vào đuôi chiếc đục trong tay anh chàng. Đục thế
mà đâu có đơn giản. Vì lỗ đục can hệ đến đầu mộng, quyết định độ vững
chắc của cái khung đồ vật. Đầu mộng có mộng đơn mộng kép, mộng mang
cá. Thợ giỏi, cắt mộng đảm bảo độ dung sai, đến mức tra vào lỗ đục khít rìn
rịt, như gắn xi, dính liền đến đập cũng không rời ra được. Đó! Vừa hoàn
thành một lỗ đục trên thanh xà của chiếc chạn bát xong, giờ anh ta sắp đục
lỗ đục thứ hai cách lỗ đục thứ nhất mười lăm phân, được đánh dấu bằng
bốn đường mực kẻ. Nhẹ nhàng anh ta nhấc chiếc tràng lên. Tì lưỡi nó vào
đúng một đường mực. Cái dùi đục khậc một tiếng khô khan. Đó là động tác
bấm cữ của anh ta. Như thế là anh ta đã thực hiện đúng quy trình tuần tự.
Như
thế là anh ta không biết đến đơn sai. Và hãy tiếp tục dõi theo anh ta trong
từng thao tác. Có cái thoăn thoắt. Có sự khoan thai. Và xem cách sử dụng
khi là chiếc tràng xòe hai cánh, lúc là mũi đục bạt, khi chuyển từ mũi đục
cỡ tám li sang chiếc đục cỡ một phân, thì có cảm giác đã bắt gặp được
chính cái nguyên ủy gốc gác của ý chí kèm theo một tố chất bẩm sinh ở anh
ta.
Chí chát chí chí chát. Khoan nhặt nhịp nhàng một âm điệu, một tiết tấu.
Đều đặn mà không nhàm chán. Mà vẫn nhận ra niềm say mê hiện ra trên
gương mặt mảnh mai của anh chàng. Người xưa nói, “Cảm hứng như chày
dùi. Công việc là chiêng trống.” Có những buổi thầy Quang Tình ngồi đục
suốt từ tơ mơ sáng thông tầm đến tận cuối giờ chiều. Từ lúc ánh nắng chéo
cánh sẻ buổi sớm kẻ một luồng sáng hồng qua mặt tiền nhà xưởng, đến lúc
phía bên kia nhà xưởng in một vệt nắng rớt lúc chiều tà. Đứng dậy, bẻ lưng,
thầy nhận ra mấy người thợ đang tăng tốc hoàn thành công việc cuối cùng
để chuẩn bị ra về. Cuối xưởng, cô Mận tạp vụ đang quét dọn đống vỏ bào.
Và ông Văn Chỉ đang lững thững đi vào, theo lệ thường để kiểm tra công
việc cuối ngày.