Thật không ngờ, mới chỉ là một bài có tính chất khai đề và vừa đọc dứt,
thầy Quang Tình đã thấy ông Văn Chỉ vỗ tay đứng dậy:
- Được lắm! Được lắm! Cây gỗ hạ xuống, lăn lóc trong rừng hoang, vỏ
rác bên ngoài bong ra, còn lại là cái cốt lõi bên trong đậm đã hương sắc là
thế đấy. La douleur fait les grands poètes! Đau khổ làm nên các nhà thơ lớn
đó, thầy Quang Tình à.
Cái chóp mũi tròn như giọt mật ưng ửng, thầy Quang Tình tươi tỉnh:
- Kìa sư phụ ngồi đi. Cám ơn sư phụ. Nước không được nóng. Xin phép
sư phụ tôi vào bếp một lát.
- Không! Đừng lãng phí thời gian, thầy Quang Tình. Ông Văn Chỉ xua
xua tay, chèm chẹp đôi môi ướt:
- Thầy Quang Tình à. Chỉ một bài thơ của thầy cũng có thể nhận ra: con
người ta chỉ nhận ra tự do khi nó bị mất đi. Tự do, nó không phải là cảm
giác nhưng nếu không có cảm giác thì không hiểu được tự do là gì. Phát
triển là tự do. Không có sự phát triển nào đi trước tự do cả. Đó là ý kiến của
ngài Amartya Sen, nhà kinh tế học vừa ẵm giải Nobel năm rồi. Như vậy có
nghĩa là: Độc quyền là chiếm đoạt vốn liếng tự nhiên, tức tự do của người
khác, thầy ạ.
Đưa tay ôm má, thầy Quang Tình xuýt xoa:
- Sao hôm nay từ miệng sư phụ lại có những câu triết lý hay đến thế!
- Hề hề hề... Thú thật với thầy, tôi không là con nhà nòi như thầy. Nhưng
thời ấu niên cũng có được đôi ba chữ ông cụ dạy cho. Có điều tôi như ông
thầy tu phá giới. Nó là cái nết từ ông cụ mấy đời truyền lại.
Trong cảm hứng thi ca, thầy Quang Tình đăm đăm nhìn ông Văn Chỉ,
cảm mến và sẻ chia. Một bất ngờ vừa xuất hiện. Không! Phải là hai bất
ngờ. Thế đấy, vì ông Văn Chỉ cũng như thầy Quang Tình, mỗi con người là
một bí ẩn. Và sau rốt, y như trong tiểu thuyết, đến một lúc nào đó, thì các
nhân vật cũng sẽ phải lộ diện và xưng danh. Con người không ở ẩn mãi
được đâu!