“Em biết má chị nói gì khi chị nói chị sẽ về Việt Nam không?” Vivien
ngừng lại. “Ba mày chỉ làm tan nát trái tim mày thôi.”
Rồi Vivien lăn qua nằm nghiêng xoay mặt vào tường, trên đó có một con
tắc kè xanh nằm kiên nhẫn trên mặt xi măng. Cầu thang kêu cọt kẹt khi ông
bà Lý đi lên, những nốt nhạc chõi nhau cùng tạo thành đoạn cuối cho một
ngày quá quen thuộc của Phương mà chỉ có chuyến ghé chơi của Vivien
mới làm cô nhận ra. Sự hiện diện của bà chị trên giường của Phương và
cảm giác vuốt ve của vải ren trên da thịt đã chuốt sắc cây bút chì nhận thức
cùn lụt của Phương, cho phép cô viết ra trong tâm trí mình bản phác thảo
cho những nhân vật trong đời mình mỗi lúc một chính xác hơn. Không ai
được vẽ ra rõ nét hơn cha cô, người mà cô thương hại và, tệ hơn, không hề
kính trọng. Nếu ông chỉ là một kẻ ngoại tình hay tay chơi bời, lúc đó sẽ có
lý do để phẫn nộ, nhưng ông đang ở giai đoạn suy sụp, một thất bại mà chút
sức hút còn lại của thời sống băng hoại và cư xử tệ cũng không còn. Ðây là
vấn đề của nỗi buồn và ngượng ngùng quá đủ để đến khi cái bóng của cha
cô xuất hiện ở cửa, Phương vẫn xoay nằm nghiêng. Ở tư thế đó, ép vào
lưng của bà chị trong một đêm ẩm ướt, cô phát hiện ra rằng cho dù đang
nằm Vivien cũng bắt đầu đổ mồ hôi.
Tại công viên giải trí vào sáng hôm sau, ông Lý chụp hình các con ở cổng
vào với chiếc máy ảnh xài một lần, một món quà của bà vợ trước nhờ
Vivien đem qua. Sau khi Vivien trả tiền vé cho cả nhà, Hạnh và Phúc giành
chỗ dẫn đầu, Hạnh kéo tay mẹ nó. Họ len lỏi qua những nhóm lộn xộn nào
đám học trò tiểu học nam lẫn nữ, nào binh đoàn áo đỏ với nón lưỡi trai.
Một đường ray tàu băng suốt công viên phía trên những đám đông nhộn
nhạo, và ở xa xa, một đường tàu lượn siêu tốc chạy rầm rầm. Một khu triển
lãm mau chóng thu hút sự chú ý của Phương, tên gọi lạ lẫm bằng tiếng Anh
của nó là “Ice Lantern” (Băng đăng). Trên một tấm bảng bên ngoài, những
ảnh màu rực rỡ mô tả những mô hình bằng băng của tháp Eiffel, đền Taj
Mahal, và những kỳ quan nhân tạo khác của thế giới, được thắp sáng trong