bóng tối, tôi hào hứng đến run người như tận tai nghe thấy tiếng những
người đàn bà mắt đen, và tôi nghĩ có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ kể được
những câu chuyện như thế.
Vậy có trớ trêu không khi tôi kiếm sống bằng nghề viết thuê? Tôi tự chất
vấn mình khi nằm trên giường vào buổi trưa, nhưng các bà mắt đen và răng
đen đó nghe được tôi. Mày gọi thứ mày có đây là cuộc sống sao? Răng của
họ kêu lạch cạch khi họ cười tôi. Tôi kéo mền đắp lên tới mũi, theo kiểu tôi
quen làm trong những năm đầu trên đất Mỹ, vì sợ những sinh vật không chỉ
lẩn lút ở hành lang mà còn lang thang xung quanh nhà. Ba má luôn nhìn
qua màn cửa phòng khách trước khi đáp lại bất kỳ tiếng gõ cửa nào, vì ngại
những đồng bào trẻ tuổi của mình, những cậu trai đã biết về bạo lực do lớn
lên trong thời chiến. “Ðừng mở cửa cho người lạ,” má cảnh báo tôi, một,
hai, ba lần. “Mình đâu muốn kết thúc giống gia đình bị chĩa súng trói lại.
Tụi nó dí thuốc lá vào thằng bé sơ sinh cho đến khi bà mẹ khai ra chỗ giấu
tiền.” Thời thanh niên Mỹ của tôi bị nhồi đầy những câu chuyện khốn nạn
như thế, tất cả làm bằng chứng cho những điều má tôi nói, rằng chúng tôi
không thuộc về nơi này. Trong một xứ sở mà tài sản định giá trị mọi thứ,
chúng tôi chẳng có của cải gì ngoài những câu chuyện.
Khi tiếng gõ cửa đánh thức tôi dậy, ngoài trời còn tối đen. Ðồng hồ của tôi
chỉ 6 giờ 35 tối. Tiếng gõ lại vang lên, nhẹ nhàng, dò dẫm. Tự nhiên tôi biết
ngay đó là ai. Tôi đã khóa cửa phòng ngủ để phòng chuyện này, và bây giờ
tôi kéo mền trùm cả đầu, tim tôi đập thình thịch. Tôi muốn anh ấy biến đi,
nhưng khi anh ấy vặn lạch cạch nắm đấm cửa, tôi biết mình không thể làm
gì khác ngoài việc bò dậy. Những sợi lông tơ trên người tôi đều dựng đứng
cả lên trong khi tôi nhìn theo nắm đấm cửa run run dưới sức mạnh của tay
anh. Tôi tự nhủ rằng anh ấy đã hy sinh mạng sống vì tôi, điều tối thiểu tôi
có thể làm là mở cửa ra.
Anh trương phình và nhợt nhạt, tóc mượt như lông chim, nước da tối, mặc
quần đùi đen và áo thun xám tả tơi, chân tay khẳng khiu. Lần cuối cùng