tôi còn viết rất nhiều bài luận, tất cả đều được thầy Trương đọc trước lớp, có
lúc lại được dán lên bản tin của nhà trường, thậm chí có bài được các trường
trung học lân cận lấy làm bài văn mẫu. Nhờ có những thành tích ấy mà
chuyện về cái đáy quần và chiếc thắt lưng lại biến thành những chuyện rất
đáng yêu.
Sau đó tôi tham gia quân đội, thi thoảng về thăm nhà, tôi lôi những bài
văn viết thời lớp ba lớp bốn từ trong rương ra và đọc lại. Bài nào cũng có bút
tích của thầy Trương phê khiến tôi bồi hồi cảm động, bởi trong Cách mạng
Văn hóa, tôi và thầy giáo Trương đành phải chia tay. Tôi bị đuổi học, mỗi lần
gặp thầy Trương, tôi chỉ còn biết cúi đầu đi qua, lòng đầy giá băng. Đọc lại
những lời phê của thầy, dâng lên một niềm cảm khái, hận là Cách mạng Văn
hóa đã cắt đứt con đường như hoa như gấm của tôi. Những bài văn này đã bị
dùng làm giấy lau đít cho cháu tôi, nếu còn giữ được đến ngày nay, biết đâu
rằng còn có chỗ dùng?
Mất học và trở thành trẻ chăn trâu, tôi thường hồi ức lại những bài văn
và những ngày tháng huy hoàng đã qua. Trong làng có một người bị quy là
“phái hữu” và đuổi về quê tham gia lao động. Chú ấy là sinh viên tốt nghiệp
Học viện Sư phạm Sơn Đông, đã từng là thầy giáo dạy ngữ văn cấp trung
học. Chúng tôi ở cùng một đội sản xuất, thường hay làm việc bên nhau. Chú
ấy đã cung cấp cho tôi rất nhiều kiến thức về tác giả và tác phẩm. Nào là
những bài văn thời học trung học cơ sở của thần đồng Lưu Thiệu Đường
được tuyển chọn thành bài văn mẫu cho cấp trung học phổ thông, nào là Lưu
Thiệu Đường thời học phổ thông đã từng nhận nhuận bút đến ba vạn đồng,
nào là chuyện có một tác gia mặt rỗ đang ngồi trên tàu lửa trông thấy một cô
gái đang đi bộ bên đường thì quên cả nguy hiểm nhảy xuống, cuối cùng là bị
gãy một chân… Đúng là chú ấy đã đan dệt giấc mộng văn chương của tôi.
Tôi hỏi: Chú ơi, chỉ cần viết được một cuốn sách là không còn phải đi chăn
trâu nữa phải không ạ? Chú ấy nói: Đâu chỉ dừng lại ở chỗ khỏi phải chăn
trâu! Sau đó chú ấy còn kể cho tôi nghe nội dung một cuốn sách của Đinh