Ba bài bút ký về chuyện đọc sách
1. Sở Bá Vương và chiến tranh
Đ
iều vĩ đại nhất của Tư Mã Thiên trong “Sử ký” là nhà sử học đã triệt
để đả phá mô thức tư duy “thành công thì trở thành vương hầu, thất bại thì
biến thành đạo tặc” rất thịnh hành trong xã hội loạn lạc ngày xưa. Trong
hoàn cảnh xã hội lúc ấy, đây là một nhãn quan độc đáo đầy tính nhân đạo, tất
nhiên phải cần có dũng khí không sợ bị chặt đầu. Căn nguyên của cái nhìn
nhân đạo và dũng khí này có liên quan mật thiết đến chuyện Tư Mã tiên sinh
chịu nhục hình. Trong xã hội ấy, nhục hình và chặt đầu xem ra cũng chẳng
khác gì nhau. Có rất nhiều người không thể chịu nỗi nhục hình mà sẵn sàng
chấp nhận bị chặt đầu, nhưng vì trong lòng còn ôm ấp “Sử ký” đang dở dang
nên Tư Mã Thiên đã cắn răng chịu nhục; cũng có thể chính vì do Tư Mã
Thiên bị nhục hình mà mới có “Sử ký” vĩ đại truyền lại cho đời nay. Một
lệnh truyền của Hán Vũ Đế đã dứt bỏ toàn bộ những tư tâm tạp niệm của Tư
Mã Thiên, nhưng đồng thời cũng tạo dựng nên chân dung một anh hùng
chân chính. Phàm là con người đang trong lúc đắc ý thì chỉ nhìn đời từ phía
chính diện, dùng quan điểm của giai cấp thống trị để nhìn nhận thế giới;
nhưng khi thân lâm vào nghịch cảnh thì con người mới có thể thay đổi cách
nhìn đời ở một góc độ khác, thậm chí là từ mặt trái. Điều này có những
nguyên nhân vật chất lẫn tinh thần, nhưng nguyên nhân nào cũng quan trọng
như nhau. Vô luận là dùng quan điểm văn học hay quan điểm sử học để đọc
“Sử ký” đều có thể nhận ra ý nghĩa trọng đại trong việc thay đổi góc nhìn
này. Kết quả của việc thay đổi góc nhìn về thế giới là xóa bỏ được những
thiên kiến và chấp nê để từ đó dễ dàng nhận ra bản chất của cuộc đời. Những