K
hông còn nghi ngờ gì nữa, lý luận tiểu thuyết là sản phẩm sau của
thực tiễn sáng tác tiểu thuyết. Trong lúc chưa có lý luận, tiểu thuyết đã có
những thành tựu đáng kể. Lý luận về tiểu thuyết sớm nhất có lẽ là từ cha con.
Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương với những lời bình điểm cho những bộ
tiểu thuyết. Căn cứ vào những kinh nghiệm đọc của tôi, những lời phê bình
này với sự phô diễn những tuyệt kỹ của nghệ thuật đọc cũng giống như khiên
cưỡng ghép cho tiểu thuyết những câu thơ bài từ gây cản trở không ít cho
việc đọc, nên từ trước đến nay tôi không liếc mắt đến những đoạn bình điểm
này. Nhưng rõ ràng trong lời bình điểm của hai nhà Kim Mao có những điểm
rất thú vị, những nhà lý luận tiểu thuyết đời sau vẫn phát hiện ra từ đây những
ý kiến đầu tiên về lý luận tiểu thuyết và mỹ học tiểu thuyết. Do vậy mới nói,
sự bắt đầu của lý luận tiểu thuyết với thực tiễn sáng tác hầu như không có
quan hệ gì, cũng chẳng liên quan gì đến tuyệt đại đa số độc giả. Kim Thánh
Thán và những người thời ấy khi phê bình tiểu thuyết đều bắt đầu với tư cách
là một độc giả đọc tác phẩm đến độ nhập mê, tâm đắc thực sự với nó, cầm
lòng không đặng mới phê phê điểm điểm. Hành vi này có thể được xem là
một sự “tự vui” thuần túy, nhưng khi đã điểm vào sách thì bỗng chốc hóa
thành “vui người”, có chức năng hướng dẫn cho người đọc cảm thụ và
thưởng thức tác phẩm; hoặc có một ai đó trong số những độc giả tiếp thu
những gợi ý của họ, hoành bút viết tiểu thuyết, hóa ra những lời bình điểm
của họ lại trở thành lý luận chỉ đạo sáng tác! Cho nên, lý luận tiểu thuyết sản
sinh từ việc đọc, thực tiễn của lý luận tiểu thuyết chính là sáng tác, là tác
phẩm. Lý luận tiểu thuyết thuần túy nhất chỉ mang hai chức năng: chỉ đạo
cách đọc và chỉ đạo sáng tác. Nhưng kiểu phê bình hiện đại hoặc hậu hiện đại
đã biến thành một sân đua ngựa nháo nhào từ rất sớm để các nhà phê bình
trưng bày kỹ thuật, phô diễn kỹ xảo, khoe vốn từ vựng mới mẻ đến độ lạ lùng
của mình. Kiểu phê bình này đã cách ly quá xa với ý nghĩa nguyên sơ của nó.
Trào lưu phê bình tiểu thuyết mới hoành hành bá đạo lâu nay đã sớm cắt đứt
mối quan hệ giữa phê bình và thực tiễn sáng tác, dần dần biến sáng tác thành