Cuối năm 1978, một trong những biên kịch của “Cao lương đỏ” là Chu
Vĩ gọi điện mời tôi đến xem phim. Tôi đạp xe đến Trung tâm Tư liệu Điện
ảnh Tiểu Tây Thiên. Vừa đặt chân lên những bậc tam cấp tôi đã đụng phải
Củng Lợi - đội mũ nhung, mặc áo lông, chân mang đôi giày cao cổ theo kiểu
những cô gái du mục. Cô ấy nhiệt tình chào hỏi tôi nhưng rồi biến mất rất
nhanh chẳng khác một vì sao xẹt. So với hồi mùa hè, Củng Lợi có vẻ trắng và
mập ra nhiều, toàn thân cũng toát lên khí vị của thanh niên đô thị hiện đại,
những nét đăm chiêu lo lắng ngày nào không còn trên mặt nữa. Tôi nghĩ, điều
gì đã khiến Củng Lợi thay đổi nhanh đến như vậy?
Hai tiếng đồng hồ sau, tôi mang theo nỗi trầm tư về kết cục của bộ
phim và những tiếng phèng la khiến người ta phải rùng mình bước chân ra
khỏi cổng lớn của Trung tâm Tư liệu. Đúng là lúc ấy tôi đã có dự cảm rằng,
“Cao lương đỏ” sẽ trở thành tâm điểm của đời sống điện ảnh hiện đại, nhưng
thực tế là mọi việc lại diễn ra vượt quá sức tưởng tượng của tôi: Theo sau sự
kiện “Cao lương đỏ” nhận được giải thưởng Tây Berlin, “Em gái can đảm đi
về phía trước” cũng khiến dư luận như sóng biển trào lên khắp trong nam
ngoài bắc, đến nay vẫn chưa hoàn toàn bình yên trở lại.
Ngay trong đêm xem xong “Cao lương đỏ”, tôi nhận lời đặt hàng của
tạp chí “Điện ảnh Đại Tây Bắc”, thức suốt đêm viết một bài dài đến tám
nghìn chữ. Còn nhớ, trong bài viết này tôi đã dùng một mục để phân tích
những vai diễn của diễn viên, trong đó không ngần ngại dùng những từ rất
kêu rất đẹp, đáng tiếc là bài viết này tôi không thể tìm lại được, nếu không
sẽ trích ra đây vài câu. Thế cũng hay, lúc ấy tôi bị kích động bởi những gì
mà bộ phim mang lại nên tôi chẳng ngần ngại gì khi dùng những từ rất kêu
rất sáo, những suy nghĩ bình tĩnh hầu như là rất ít. Việc đã qua mấy năm, tất
cả đã thành mây bay ngang mắt, quay đầu lại để nghĩ một tí về Củng Lợi và
“Cao lương đỏ” chắc là sẽ khách quan hơn.
Không nghi ngờ gì nữa, “Cao lương đỏ” là một bộ phim thể hiện một
phong cách mới. Cái cảm giác mới mẻ khiến nhiệt huyết của người xem như