sợ đối với những người không đồng tình với những đạo luật của Rôma.
Cũng đã có lúc ở ngay Pađu, những người Giêduýt(9) cố làm cho sứt mẻ
vấn đề tự do ngôn luận trong trường đại học bằng nhà trường riêng và hình
thức giáo lý riêng của họ. Ý đồ của họ đã bị thất bại do sự chống đối dũng
cảm của trường Đại học Y khoa và sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trường
nhân danh Hội đồng mười vị rất quyền thế ở Vơnidơ.
Khi còn là sinh viên, Ăngtoan đã nhiều lần choảng nhau với sinh viên
trường Giêduýt. Anh vẫn chưa quên những cuộc đánh lộn hăng hái ấy, chưa
quên nắm đấm chắc nịch của mình nện vào da thịt mềm nhẽo của họ, nỗi lo
lắng của chiếc mũi đẫm máu và niềm hân hoan khi thoát khỏi tay bọn gác
đang cố gắng nện văng mạng vào một anh chàng giơ đầu chịu báng nào đó.
Nhưng hành vi ấy không còn phù hợp với phẩm chất của anh hiện nay,
cũng như với ý đồ khoác áo tu hành của anh, cho nên đã một thời gian anh
chỉ qua lại trên con đường từ tu viện đến các lớp học của mình và chỉ rẽ
ngang khi có người trong trường đại học bị ốm cần anh chăm sóc.
Ngoài Pađu và Vơnidơ, việc đi thăm bệnh nhân của thầy thuốc cũng như
phương pháp điều trị của họ đều phải theo quy tắc rất chặt chẽ do Toà thánh
lập ra coi như giáo lý, nếu không sẽ bị coi như theo tà giáo.
Toà án tôn giáo xuất hiện ở Tây Ban Nha đã thâm nhập vào nước Ý làm
cho bất cứ ai không tuân theo quy cách cư xử đã đề ra lâm vào cảnh vô
cùng nguy khốn. Người ta đã nói đến việc đưa Vêdan ra trước pháp luật và
chỉ nhờ chuyến ra đi vội vã của ông mới cứu ông thoát khỏi giàn thiêu. Còn
Misen Xécvê, tốt nghiệp ở Pađu và là một trong những thầy thuốc xuất sắc
nhất của thời đại, thì đã bị hoả thiêu theo lệnh của tên tà giáo Canvanh
đúng vào lúc Rôma cũng kết án anh. Anh đã chẳng xem xét một cách phê
phán quan niệm thần học về Thần thánh hay sao?
Hơn nữa, anh đã đi tới mức dám tuyên bố rằng không có lỗ ở các vách ngăn
của trái tim, khi Galiêng còn khẳng định như thế, – và máu chỉ chảy từ bên
phải qua bên trái tim bằng một đường vòng qua phổi.