Anh chiếm nó cho người yêu của anh chứ gì?Vậy nhiệm vụ của tôi càng rõ
ràng hơn.
- Nhiệm vụ gì?
- Nhiệm vụ làm cho anh thú nhận các tội đã phạm, theo dõi cho các tội ấy
bị trừng phạt và trừng phạt thích đáng.
- Tôi không hề mắc một tội nào như ông nói, – Ăngtôniô lẩm bẩm. – Ông
tấn công tôi, tôi phải tự vệ.
- Tôi nhớ rõ rằng anh tấn công tôi trước, lúc ở Pađu, – đến lượt tu sĩ sửa lại,
– để ngăn không cho tôi gọi người đến cứu. Và chỉ như thế cũng đủ để cho
anh chịu cùng một số phận với người anh tà giáo của anh. Luật của Thánh
đường không thương xót những kẻ mắc tội phạm đến người phụng sự
Chúa.
Tu sĩ nói đúng. Cuộc chống cự của họ không có ai làm chứng, nhưng dù
Ăngtoan nói hay làm gì thì lời nói của một linh mục vẫn có trọng lượng
hơn lời anh. Nhưng anh vẫn trả lời:
- Luật đòi hỏi có nhiều nhân chứng.
- Ồ! Không bao giờ, nếu bị cáo tự thú nhận tội lỗi! Tôi đã tự ý thảo trước
bản thú tội của anh, chỉ cần anh chịu khó ký nhận vào đây.
- Tôi sẽ không ký! Không bao giờ! – Ăngtoan tuyên bố. – Ông không có
bằng chứng.
- Từ từ nào, bác sĩ, – Xăngtốt điềm tĩnh nói. – Ít ra cũng để cho tôi đọc cho
anh nghe bản thú tội ấy: rất ngắn nhưng cũng rất có ý nghĩa giáo dục:
“Tôi, Ăngtôniô Xecvêtut, thầy thuốc ở Pađu, nước Ý và Mađơrit, nước Tây
Ban Nha, thú nhận rằng ngày 15 tháng 8 năm 1563 theo Thhiên Chúa, ở tại
Pađu tuy không bị khiêu khích, tôi đã xâm phạm đến thân thể tu viện
trưởng Phêlíp Xăngtốt ở tu viện dòng Đôminich với dụng tâm giết ông ta.
Nếu tu viện trưởng không chống lại để tự vệ tôi đã kết thúc tính mạng ông,
nhưng việc xâm phạm của tôi đã thất bại, tôi trốn khỏi tu viện, bỏ mặc tu
viện trưởng bị trọng thương. Tôi tự giác thú nhận tội của tôi về vấn đề nói
trên, không bị sức ép hay sự bó buộc nào mà tôi yêu cầu trừng phạt tội lỗi
của tôi theo luật của Nhà thờ rất thánh đã quy định”
Xăngtốt đặt tờ giấy xuống và không cao giọng: