cả mọi thứ sẽ được truyền trực tiếp vào hệ thống máy chiếu của bảo tàng từ
một vị trí ở xa.
“Khi chúng ta sẵn sàng cho phần thứ hai,” nàng hỏi, “ai sẽ mở đầu phần
thuyết trình, anh hay tôi?”
“Tôi sẽ đích thân làm,” anh nói, móc điện thoại của mình ra. “Bằng thứ
này.” Anh giơ chiếc điện thoại thông minh quá khổ có lớp vỏ Gaudí màu
ngọc lam của mình lên. “Nó là một phần của chương trình. Đơn giản là tôi
sẽ gọi tới máy chủ từ xa của mình bằng một kết nối đã mã hóa…”
Edmond ấn vài phím và loa điện thoại reo một lần rồi kết nối. Một giọng
nữ vi tính hóa trả lời. “CHÚC BUỔI TỐI TỐT LÀNH, EDMOND. TÔI
ĐANG ĐỢI MẬT KHẨU CỦA NGÀI.”
Edmond mỉm cười. “Còn sau đó, khi cả thế giới đang theo dõi, tôi chỉ
việc nhập mật khẩu của mình vào điện thoại và phát hiện của tôi được
truyền trực tiếp tới nhà hát của chúng ta ở đây và đồng thời ra toàn thế giới.”
“Nghe rất kịch tính,” Ambra nói, đầy ấn tượng. “Dĩ nhiên trừ phi anh
quên mất mật khẩu của mình.”
“Như thế sẽ thật rầy rà, phải đấy.”
“Tôi tin anh đã viết nó ra rồi chứ?” Nàng nói vẻ châm biếm.
“Báng bổ,” Edmond cười nói. “Các nhà khoa học máy tính không bao giờ
viết mật khẩu ra cả. Nhưng đừng lo. Mật khẩu của tôi chỉ dài có bốn mươi
bảy mẫu tự thôi. Tôi dám chắc mình sẽ không quên được.”
Ambra trợn tròn mắt.
“Bốn mươi bảy?! Edmond, thậm chí anh còn không nhớ được PIN bốn
con số cho thẻ an ninh bảo tàng của mình! Làm sao anh nhớ được bốn mươi
bảy mẫu tự ngẫu nhiên chứ?”
Anh lại cười trước vẻ thảng thốt của nàng. “Tôi đâu có phải làm thế,
chúng đâu có ngẫu nhiên.” Anh hạ giọng. “Thực ra thì mật khẩu của tôi là
câu thơ mà tôi yêu thích.”
Ambra cảm thấy bối rối. “Anh dùng một câu thơ làm mật khẩu à?”
“Sao lại không chứ? Câu thơ yêu thích của tôi có đúng bốn mươi bảy mẫu
tự.”