liệt phản bác chế độ hôn nhân một vợ một chồng là “một sự sỉ nhục đối với
quá trình tiến hóa” và đã từng chụp hình với vô số siêu mẫu suốt nhiều năm.
Nghĩ đến tiếng tăm của Kirsch như là một nhà cải cách trong ngành khoa
học máy tính, người ta có thể dễ dàng hình dung anh là một tay đam mê
công nghệ kiệm lời. Nhưng thật ra anh lại tạo dựng bản thân như một hình
tượng nhạc pop hiện đại gia nhập các giới có tiếng tăm, phục sức theo những
phong cách mới nhất, nghe thứ âm nhạc bí ẩn không công khai và sưu tập vô
vàn tác phẩm trường phái Ấn tượng và nghệ thuật hiện đại vô giá. Kirsch
thường gửi thư điện tử cho Langdon để xin lời khuyên về những tác phẩm
nghệ thuật mới mà anh đang cân nhắc cho bộ sưu tập của mình.
Và rồi cậu ta sẽ lại làm ngược hẳn lại, Langdon trầm ngâm.
Khoảng một năm trước, Kirsch đã khiến Langdon ngạc nhiên khi không
hỏi ông về nghệ thuật, mà lại về Chúa - một chủ đề rất lạ lùng với một nhân
vật tự nhận là vô thần. Bên đĩa sườn sống chặt nhỏ tại quán Tiger Mama ở
Boston, Kirsch đã khai thác bộ não của Langdon về những tín điều cốt lõi
của rất nhiều tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là những câu chuyện khác nhau
của họ về Sáng tạo.
Langdon đã nói với cậu ấy kiến thức tổng quan rất đáng tin cậy về các tín
điều hiện hành, từ câu chuyện Sáng thế ký mà cả Do Thái giáo, Thiên Chúa
giáo và Hồi giáo cùng chung nhau, tới cả câu chuyện về thần Brahma của
Ấn Độ giáo, chuyện thần Marduk của người Babylonia và những câu chuyện
khác.
“Tôi rất tò mò. Tại sao một nhân vật vị lai chủ nghĩa lại quan tâm đến quá
khứ vậy chứ? Phải chăng điều đó có nghĩa là anh chàng vô thần nổi tiếng
của chúng ta cuối cùng đã tìm thấy Chúa?” Langdon hỏi khi họ rời nhà
hàng.
Edmond cười rất thành thật. “Thầy lại mơ tưởng rồi! Em chỉ đánh giá
cuộc cạnh tranh của mình thôi, thầy Robert.”
Langdon mỉm cười. Rất đặc trưng. “Chậc, khoa học và tôn giáo không
phải là đối thủ cạnh tranh nhau, đó là hai ngôn ngữ khác nhau đang tìm cách
kể cùng một câu chuyện. Thế giới này có chỗ cho cả hai.”