“Gould chỉ cười,” Langdon nói, “và bảo tôi rằng hầu hết các sách bài
Darwin đều được xuất bản bởi những nơi đại loại như Viện Nghiên cứu quá
trình sáng tạo thế giới - một tổ chức mà theo các tài liệu thông tin của chính
họ, xem Kinh thánh như một hồ sơ bằng văn bản không thể sai về sự thật
khoa học và lịch sử.”
“Nghĩa là,” Winston nói, “họ tin rằng những bụi cây cháy biết nói, rằng
Noah thừa sức chứa đủ tất cả các giống loài đang sống chỉ trên một con
thuyền duy nhất và rằng người biến thành những cột muối không phải là cơ
sở vững vàng nhất cho một đơn vị nghiên cứu khoa học rồi.”
“Đúng vậy,” Langdon nói, “nhưng vẫn có một số cuốn sách phi tôn giáo
tìm cách hạ bệ Darwin từ quan điểm lịch sử - buộc tội ông ấy đánh cắp
thuyết của mình từ nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck,
người đầu tiên đề xuất rằng các sinh vật tự biến đổi để thích ứng với môi
trường của chúng.”
“Mạch tư duy đó rất không phù hợp, thưa Giáo sư,” Winston nói.
“Chuyện Darwin có mắc lỗi đạo văn hay không thì không có quan hệ gì đến
tính xác thực của thuyết tiến hóa cả.”
“Tôi không dám tranh luận chuyện đó,” Ambra nói. “Mà như vậy là, anh
Robert, tôi cho rằng nếu anh hỏi Giáo sư Gould, ‘Chúng ta từ đâu đến?’ ông
ấy chắc chắn sẽ trả lời rằng chúng ta tiến hóa từ vượn.”
Langdon gật đầu. “Tôi đang diễn giải đây, nhưng cơ bản Gould quả quyết
với tôi rằng trong giới khoa học thực sự chẳng hề đặt ra bất kỳ câu hỏi gì về
quá trình tiến hóa đang diễn ra. Theo kinh nghiệm, chúng ta có thể quan sát
được quá trình đó. Ông ấy tin rằng, câu hỏi hay ho hơn là: Tại sao quá trình
tiến hóa lại diễn ra? Và nó bắt đầu như thế nào?”
“Ông ấy có đưa ra câu trả lời nào không?” Ambra hỏi.
“Tôi chẳng hiểu được câu trả lời nào cả, nhưng ông ấy cố chứng minh
quan điểm Hành lang Vô tận.” Langdon ngừng lại, nhấp thêm một ngụm cà
phê.
“Phải, một minh họa rất hữu ích,” Winston xen vào trước khi Langdon kịp
nói. “Nó như thế này: Hãy tưởng tượng bạn đang đi trong một hành lang dài