“Vâng,” Kirsch mỉm cười nói khi chìa tay bắt bàn tay xương xẩu của vị
chủ nhà. “Thưa Giám mục Valdespino, tôi muốn cảm ơn Đức cha đã thu xếp
cuộc gặp gỡ này.”
“Ta đánh giá cao đề nghị của anh.” Giọng vị giám mục mạnh mẽ hơn
Kirsch nghĩ - rõ ràng và lanh lảnh, như tiếng chuông ngân. “Thường thì
chúng ta đâu có được những người làm khoa học hỏi ý kiến, nhất là người
xuất chúng như anh. Mời đi lối này.”
Valdespino hướng dẫn Kirsch băng qua sân ga, không khí lành lạnh vùng
núi quất vào lớp áo chùng của vị giám mục.
“Ta phải thú thực rằng trông anh khác hẳn ta hình dung,” Valdespino nói.
“Ta cứ đinh ninh là một nhà khoa học, nhưng anh lại hoàn toàn…” Ông nhìn
bộ vest Kiton K50 cùng đôi giày Barker da đà điểu của vị khách với một
thoáng coi thường. “‘Dân chơi’, ta tin từ ấy mới đúng nhỉ?”
Kirsch mỉm cười hết sức nhã nhặn. Từ ‘Dân chơi’ lỗi thời cả mấy thập kỷ
trước rồi còn đâu.
“Khi đọc danh sách thành tích của anh,” vị giám mục nói, “ta vẫn không
tin hẳn đó là những gì anh làm.”
‘Tôi chuyên về lý thuyết trò chơi và làm mẫu máy tính.”
“Vậy là anh làm ra các trò chơi trên máy tính cho trẻ con à?”
Kirsch cảm thấy vị giám mục đang vờ ngây ngô nhằm tỏ ra mình kỳ quặc.
Kirsch biết thừa, chính xác hơn thì Valdespino là một sinh viên công nghệ
cực kỳ thạo tin và vẫn thường cảnh báo những người khác về các hiểm họa
của công nghệ. “Không, thưa cha, thực ra thì lý thuyết trò chơi là một lĩnh
vực toán học chuyên nghiên cứu các mô thức để đưa ra những dự đoán về
tương lai.”
“À phải. Ta tin ta đã đọc được rằng mấy năm trước anh từng dự báo về
một cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Âu thì phải? Khi chẳng ai chịu lắng
nghe, anh đã cứu nguy bằng việc phát minh ra một chương trình máy tính
giúp EU thoát chết. Câu trích nổi tiếng của anh là gì nhỉ? ‘Lúc ba mươi ba
tuổi, tôi bằng tuổi Đức Kitô khi Ngài hồi sinh.’”