Từ năm 1893, cứ vài năm, hàng trăm thủ lĩnh tinh thần từ gần ba mươi
tôn giáo trên thế giới lại tụ họp ở một địa điểm khác nhau và dành trọn một
tuần tham gia cuộc đối thoại giữa các tín điều. Những người tham gia bao
gồm nhiều linh mục Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng, các giáo trưởng Do
Thái và các giáo sĩ Hồi giáo từ khắp thế giới, cùng với các đạo sư Ấn Độ
giáo, các vị tỉ khâu Phật giáo, các tín đồ Kỳ Na giáo, đạo Sikh và các tôn
giáo khác.
Mục tiêu tự tuyên bố của nghị viện này là “vun đắp tình hòa hợp giữa các
tôn giáo trên thế giới, tạo dựng cầu nối giữa các giá trị tinh thần đa dạng, và
đề cao sự giao thoa của mọi tín điều.”
Một mục đích cao quý, Kirsch nghĩ thầm, mặc dù xem đó là một việc làm
chẳng ích gì - một sự kiếm tìm vô nghĩa về những điểm tương ứng ngẫu
nhiên trong cả mớ thập cẩm những truyền thuyết, ngụ ngôn và điều hư cấu
cổ xưa.
Khi Giám mục Valdespino dẫn anh đi dọc con đường, Kirsch đăm đăm
nhìn xuống sườn núi với một ý nghĩ đầy mỉa mai. Moses leo lên núi để nhận
Thánh Ngôn… còn ta leo lên núi để làm điều ngược lại.
Động cơ để Kirsch leo lên ngọn núi này, anh đã tự nhủ, là một nghĩa vụ
đạo đức, nhưng anh biết có cả tá tham vọng ngông cuồng tiếp nhiên liệu cho
chuyến đi này - anh rất háo hức cảm nhận cái tâm trạng hài lòng ngồi đối
diện với các vị tu sĩ và tiên báo về kết cục sắp tới của họ.
Các vị đã xong lượt của các vị trong việc định nghĩa chân lý của chúng
tôi rồi.
“Ta đã xem lý lịch của anh,” vị giám mục đột ngột lên tiếng, mắt liếc nhìn
Kirsch. “Ta thấy anh là sản phẩm của Đại học Harvard thì phải?”
“Vâng. Bậc cử nhân ạ.”
“Ta hiểu. Gần đây, lần đầu tiên ta đọc về lịch sử Harvard, khối sinh viên
đầu vào gồm những kẻ vô thần và bất khả tri còn đông hơn cả những người
nhận là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào. Đó quả là một con số thống kê biết
nói, Kirsch ạ.”