B. - Kiến trúc
Ngôi nhà cổ Việt độc nhứt, tìm được ở bờ sông Mã năm 1927 do ông Tây
đoan Pajot, nhân viên tài tử của Viện Bác Cổ Viễn Đông. Nhưng cuộc nghiên
cứu kéo dài, và mãi cho tới 17 tháng giêng D.L. năm 1938, nhà khảo cổ V.
Goloubew mới báo cáo trong một buổi thuyết trình, mà bản văn được đăng
trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. số 14, 1938.
Sở dĩ việc nghiên cứu đòi hỏi lắm thì giờ như vậy là vì sự định tuổi rất khó
khăn của vật liệu cổ dùng cất nhà.
Ông V. Goloubew định tuổi ngôi nhà ấy đồng thời với ngôi mộ gần đó.
Theo sự trình bày của nhà khảo cổ nói trên thì đó là một ngôi nhà sàn mà
cột cái cao 4,50th, sàn cao 1 thước. Mái nhà dài xuống tới sàn, và vì thế mà
cửa phải trổ ra ở vách hồi. Sàn bằng tre sặt, một loại tre giống tầm vông ở
miền Nam, tre còn xem xét được nhờ vật liệu đó đã gần hóa thạch, còn cột
thì bằng gỗ lim nên còn bền.
Sườn nhà không có trính, tức là đó là loại sườn nhà mà miền Nam gọi là
nọc ngựa, miền Trung gọi là nhà chữ Đinh.
Ông V. Goloubew còn nói nhiều nữa, nhưng đó là điều mà ta đã biết như
ông, rằng nếp nhà khai quật được giống nhà khắc trong trống đồng, và đó là
lối kiến trúc của tất cả các nhóm dân Cổ Mã Lai và cả Kim Mã Lai nữa.
Ông V. Goloubew có cho biết rằng trong một chiếc gương đồng cổ của
Nhựt, có khắc hình một nếp nhà như vậy. Ngày nay nông dân ở nhiều đảo
của nước Anh Đô Nê-Xia vẫn còn cất nhà như vậy, và người Chàm, cũng gốc
Mã Lai, giữ lối kiến trúc đó cả đến trong những xây cất bằng gạch nữa,
những xây cất nầy, ngày nay còn thấy với những cái cửa trổ ra ở bức hồi.