không còn thể nào mà thô sơ hơn được, mà trên thế giới không có dân tộc
nào làm thế cả.
Ông R. Mercier đã tỉ mỉ đến mức nầy thì quý vị biết là ông có đi sâu vào
cuộc đối chiếu hai kỹ thuật đó hay chăng.
Ông nghiên cứu chiếc trống lớn nhứt ở Bảo tàng viện L. Finot, mà ông
không thèm biết là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ hay trống gì, ông nói đó
là trống đánh số D.8.214 - 36, nặng 86 kí lô.
Đó là một cái trống đúc nguyên khối, không có ráp mối. Ông quan sát ở
hông trống và đếm được 280 cái vết đen hình vuông, một phân tây mỗi
cạnh. Nhờ những dấu ấy mà ông biết được kỹ thuật của thợ Đông Sơn, họ
làm hai cái khuôn, một lớn một nhỏ, cái nhỏ nằm trong cái lớn, hai cái cách
nhau một khoảng trống lối ½ phân Tây, khoảng trống ấy được các khúc gỗ
nêm.
Thế rồi các cụ Đông Sơn nhà ta nấu đồng pha, đổ vào khoảng trống ấy.
Nêm gỗ bị cháy, nhưng vẫn còn để dấu vết lại trên hông trống.
(Có lẽ đó là cái trống độc nhứt được đúc nguyên khối, chớ cái trống ở
Bảo tàng viện Sài Gòn mà chúng tôi nghiên cứu thì có ráp mối).
Ông R. Mercier nói rằng chỉ có dân Việt Nam ở các tỉnh trên mới đúc
nguyên khố những vật quá to lớn bằng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ như thế
mà thôi.
(Thế nên ta rất có thể tin Hậu Hán thư khi sách viết: “Dân Lạc Việt có
đúc thuyền bằng đồng”).
Như thế, không biết đã đủ cho sử gia Nguyễn Phương hay chưa về dấu
vết trống đồng và tôn kính trống đồng?