Nhưng đó là sử đời sau chuyên môn viết bậy bạ, ta cứ nên lấy Hậu Hán
Thư làm căn bản, và nước Tây Đồ Di có thật, có trước Mã Viện, và chúng
tôi đã cho biết họ là ai ở chương Lạc Lồi.
Lại cũng nên nhắc đến cực Nam của quận Nhựt Nam là ở đâu và nước
Tây Đồ Di ở đâu.
Cực Nam của quận Nhựt Nam là huyện Tượng Lâm, nơi mà người Chàm
lập ra nước thứ nhì (chớ không phải nước thứ nhứt) của họ và lấy tên là
Lâm Ấp.
Nhưng ranh giới Tượng Lâm là ở đâu? Theo L. Aurousseau dựa theo các
cuốn sử sai của đời sau, cho rằng là Phú Yên, còn theo R. A. Stein thì là
Thừa Thiên, không kể cái thuyết huyền hoặc của nhà nho Nguyễn Siêu, ông
ấy cho rằng Nhựt Nam là nước Phù Nam.
Chúng tôi tương đối tin R. A. Stein hơn hết. Trong một số tạp chí Hán
Học, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1947, dầy gần 500 trang mà chỉ đăng có
một bài, bài ấy là của ông R. A. Stein, nghiên cứu về huyện Tượng Lâm đó.
Đó là một quyển sách đồ sộ rồi chớ không còn là một bài báo nữa và R.
A. Stein đã làm việc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Tài liệu chủ lực của R. A. Stein là
quyển Thủy Kinh Chú, mà ta cũng nên biết sơ qua về soạn giả để có thể tin
được. Soạn giả Thủy Kinh Chú là Lệ Đạo Nguyên.
Lệ Đạo Nguyên không phải là một tay vừa. Ông ta là một viên Thái Thú
Giao Chỉ đấy. Sở dĩ sử Tàu về Giao Chỉ không có nói đến ông ta vì vào thời
ông ta cai trị, không có cuộc nổi loạn nào hết. Mọi việc đều trôi chảy.
Muốn biết rõ về địa lý của Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhựt Nam, không có
sách nào bằng quyển Thủy Kinh Chú, và muốn biết những bí mật về những
gì xảy ra ở vùng đó, cũng không có sách nào bằng Thủy Kinh Chú.