R. A. Stein nhận diện được các sông núi đầm lầy mà Lệ Đạo Nguyên tả,
xưa mang tên khác nay, nhưng vật chưa đổi sao chưa dời, nhờ thế mà R. A.
Stein biết được nơi Khu Liên nổi loạn dựng nước Lâm Ấp, nơi đó là Thừa
Thiên.
Các sử gia ta cho là ở Quảng Bình, Quảng Trị thì sai, vì khung cảnh
Quảng Bình, Quảng Trị không ăn khớp với lời tả của Thủy Kinh Chú, được
R. A. Stein kiểm soát lại cũng không ăn khớp với vị trí Quảng Bình, Quảng
Trị.
Nhưng các sử gia lầm vì về sau, quả cực Nam của Nhựt Nam là dãy núi
Hoành Sơn, sự kiện ấy tương đối mới hơn nên được ghi chép kỹ nên dễ
thấy.
Sự ngộ nhận ấy đã xảy ra vì, như đã nói, người Chàm Bắc tiến để chiếm
lại đất cũ là Nhựt Nam và Cửu Chân và có thành công cho tới dãy Hoành
Sơn mà họ làm chủ rất lâu trong thời cổ sử.
Không thế nào mà Chàm lại dựng nước ở Quảng Bình, Quảng Trị vì
không ai lại dựng nước khít cạnh một địch thủ rất dữ. Quảng Bình, Quảng
Trị chỉ là biên khu của nước Lâm Ấp chớ không là trung ương của Lâm Ấp.
Nơi Khu Liên dựng nước phải ở dưới xa hơn nhiều.
Nhưng nãy giờ ta nói chuyện từ năm 192 S.K. trở về sau, chuyện dân
Khu Liên, Mã Lai đợt II, dựng nước trong lòng đất của dân Lạc Lồi, Mã Lai
đợt I.
Hai trăm năm sau Mã Viện, người Tàu đưa quân xuống Tượng Lâm để
đánh Lâm Ấp, quân thắng trận trở về chết hết 2/3 còn tướng thì chết dọc
đường cũng cứ vì sơn lam chướng khí. Vậy nếu không có gì quan trọng hẳn
Mã Viện không dại mà tiến quân xuống nữa.
Mã Viện đã phải hành quân cực nhọc đến thế, nhưng Hậu Hán Thư chỉ
bố thí cho cuộc viễn chinh đó có sáu tiếng ngắn. Đó lại là một bí mật nữa