Và cho đến danh tự xưng của họ, họ cũng làm thế, có nhóm chỉ tự xưng
là Mã không mà thôi, chớ không có Lai. Có nhóm lại tự xưng là Mã Đa, thí
dụ sử Chàm đã chép rằng họ đã diệt một tiểu bang tên là Mã Đa tại lối Phú
Yên, tiểu bang đó cũng là Mã Lai như họ, và ở miền Nam có một nhóm
Thượng tự xưng là Mạ và nói tiếng Mã Lai (nhưng các ông Tây lại sai lầm
mà cho rằng Mạ nói tiếng Cao Miên).
Ta cứ ngỡ rằng sách Tàu viết chữ Lạc lộn xộn bậy bạ có khi với bộ Trãi,
có khi với bộ Mã, có khi với bộ Chuy.
Nhưng cái sự lộn xộn của Tàu thật ra là sự trật tự đấy, vì khoa khảo tiền
sử khám phá ra rằng quả có ba thứ Mã Lai, một thứ di cư từ Hoa Bắc xuống
Việt Nam, một thứ nằm sẵn tại Hoa Nam, rồi cũng di cư đi Việt Nam. Còn
Lạc bộ Chuy là Khuyển Nhung, một chi Mã Lai, sẽ thành Miến Điện về
sau.
Hai thứ kia là Khơ Me và Thái thì họ chỉ mới biết cũng là Mã Lai gần
đây thôi.
Phải phục các ông Tàu đời Chu là giỏi.
Cho tới nay, thiên hạ than phiền về ba tự dạng Lạc bể đầu ấy lắm, không
biết tại sao Tàu viết lộn xộn đến thế. Nhưng rõ ra thì họ đã biết là có ba
thức Lạc, ngay từ đời Chu rồi, và đáng sợ hơn nữa là họ chỉ đích xác người
Phúc Kiến, tức Thất Mân, bằng chữ Lạc bộ Mã, luôn luôn như vậy, mà Thất
Mân, theo khoa khảo tiền sử thì đích thị là Mã Lai đợt II, mà chúng tôi sẽ
trình diện rõ hơn.
Ấy thế mà sử gia Nguyễn Phương của ta lại nói rằng sử gia Tàu không
biết Lạc là gì, nên quá bối rối tìm cách giải thích liều lĩnh nhưng không
xong.
Lần lần ta sẽ thấy rằng họ biết Lạc rõ cũng gần bằng khoa khảo tiền sử
ngày nay.