Các bản đối chiếu ngôn ngữ sẽ cho ta thấy Việt ngữ gồm cả ba loại danh
từ của cả ba thứ Lạc đó, họ có một số danh từ giống hệt nhau, nhưng cũng
có một số danh từ khác nhau. Nhưng Việt Nam lại có đủ cả ba vì ta là Lạc
hỗn hợp.
Người Tàu còn biết nhiều hơn nữa kia và ăn khớp với khoa khảo tiền sử,
và lần lần, ta sẽ thấy rõ như ban ngày trong thượng cổ sử của ta.
Rồi chúng ta lại thấy bọn Lạc-Lê tái xuất hiện ở Việt Nam, cũng với tên
xưng hơi giống giống Lạc-Lê.
Ta cứ ngỡ nhóm trung gian Lạc-Lê mà các cổ thư Trung Hoa nói đến,
quá nhỏ nên bị tàn lụn rồi, nhưng họ còn có mặt ít lắm là vào thời Hùng
Vương 16, 17, 18 và chúng tôi hồ nghi có căn cứ rằng người Hải Nam cũng
là Lạc-Lê chớ không là Lạc thuần túy, bằng vào Thủy Kinh Chú trong đó Lệ
Đạo Nguyên tả dân Hải Nam giống dân Nhựt Nam mà dân Nhựt Nam thì
đích thị là Lạc-Lê, theo nghiên cứu riêng của chúng tôi.
Như vậy là Lê thuần túy không còn nữa, vì sách giáo khoa mới nhứt của
Tàu gọi dân Hải Nam là Lê, nhưng họ lại chỉ là Lạc-Lê, hoặc Lê là danh
phiên âm tối cổ, trước khi có danh phiên âm Lạc cũng không chừng, và Cửu
Lê, chỉ là Cửu Lạc mà thôi, bởi Lê thì Tàu đọc là Lỉa, mà Lỉa và Ló cũng
không xa nhau cho lắm, bằng chứng là đời Hán đến đời Đường, họ phiên
âm tên nước Cam-bu-chia đến ba cách khác nhau: Cam Bố Trì, Cam Phá
Giá rồi Giản Phố Trại, mà đó là thời họ đã văn minh rồi, làm việc cẩn thận
hơn vào đời Hiên Viên nhiều lắm rồi, mà họ còn phải mò mẫm như vậy gần
mười thế kỷ mới phiên âm thật đúng danh tự xưng của một dân tộc.
Riêng Lạc bộ Trãi di cư đi Triều Tiên thì đến tới Tây Chu họ đã phiên âm
thật đúng. Họ gọi rợ Tam Hàn là Lai di. Họ đã mất hai ngàn năm mới lần dò
từ Lạc đến Lai được.