Trong quyển “L’Art de la Chine” của nhà xuất bản Larousse, ta thấy
được một tượng gỗ cổ đào được ở Tràng Sa. Sách ấy cho rằng đó là sản
phẩm văn hóa Hoa Nam, nhưng người Pháp họ không biết cổ Tràng Sa là
đất Việt nên họ mới nói thế.
Trong quyển “L’art du Việt Nam” của nhà xuất bản Somgogy Paris, ta
cũng thấy một tượng gỗ đào được ở Bắc Việt. Hai tượng gỗ nầy khác nhau,
nhưng đồng tánh cách với nhau.
*
* *
Chỉ có từ nơi nầy đổ xuống phương Nam mà thôi, và chỉ có từ thời Sở
quật cường mà thôi, ta mới có quyền nói rằng ta góp phần rất lớn vào việc
kiến tạo nền văn minh Trung Hoa, chớ giành công cho ta ngay từ cổ thời và
ở Hoa Bắc, như giáo sư Kim Định đã làm thì người Tàu có quyền không
đồng ý.
Hơn nữa, ta chỉ góp phần rất lớn, chớ không có sáng tạo, bởi văn minh
Hán kiện toàn văn minh Tần, Chu, Thương, Hạ, chớ không phải là một
phát minh khác, mà văn minh Tần, Chu, Thương, Hạ thì ta không có đóng
góp gì hết. Đã bảo Việt là Mã Lai, chúng tôi sẽ đưa bằng chứng như vậy,
mà nền văn minh Hán, Tần, Chu, Thương, Hạ lại không có tánh cách Mã
Lai nào hết thì nói ta đóng góp về sau thì có lý, chớ nói ta sáng tạo từ buổi
đầu thì vô bằng.
Tại địa bàn thứ nhứt của chủng Việt ở sông Bộc, tức Hoa Bắc, Việt còn
kém lắm, thua là chạy đi ngay, bọn ở lại quá ít để đáng được gọi là kẻ dự
phần to tát vào công việc của Tàu. Chỉ từ Sở xuống tới Quảng Đông thì
Bách Việt mới là chiếm đa số trong Hoa tộc, một đa số tuyệt đối bị đồng
hóa mà người Tàu không hay biết, hoặc cố ý giấu đi.