hơn thế Nguyễn còn lập đền thờ Chiêm Thành, là ngoại tộc nữa.
Ai cũng nói rằng các vua chúa ta nô lệ Trung Hoa về nghi lễ và phong
hóa. Thật ra thì vua chúa ta xưa chỉ bắt chước tới mức nào đó thôi, nhưng
vẫn làm khác, theo tình cảm của dân tộc và vấn đề đối xử với các trào-đại-
địch nói trên là một bất tương đồng rất quan trọng, bởi ta cũng tin nhảm về
phong thủy như Tàu, nhưng vua chúa lại không nỡ làm như vua Tàu thì hẳn
ta không phải là Tàu, không còn cãi vào đâu được nữa.
Tới đây ta lại tự hỏi tôn giáo thờ cúng tổ tiên có thật quả là tôn giáo hay
không, hay Tàu vay mượn của ta. Hiện miền Nam còn có một triệu người
Tàu mà chúng tôi sống giữa một khu phố toàn là Hoa kiều ở Cầu Ông Lãnh,
chúng tôi lại giao thiệp với người Tàu Chợ Lớn rất thường. Thế mà vào nhà
họ, chúng tôi không bao giờ thấy họ có bàn thờ tổ tiên, trong khi đó thì
trong các gia đình Việt, bàn thờ tổ tiên chiếm vị trí sang trọng nhứt, lại dùng
đồ thờ cúng mắc tiền nhứt. Người nghèo dám hy sinh cơm áo để sắm bộ lư
đồng, để đóng một cái bàn thờ bằng danh mộc khảm xà cừ, còn người Tàu
thì tuyệt đối không có bàn thờ tổ tiên.
Họ cũng không có cúng kiến tổ tiên, không hề làm đám giỗ như ta, trong
khi mỗi ngày họ cúng đến hai ba lần những thánh thần bá vơ nào đó, cúng
cả mùa màng thời tiết nữa, như cúng Hạ chí, Đông chí, Xuân phân, Thu
phân, thần cửa, thần bếp, thần cầu xí, thần tài, cúng cả một người đàn bà bá
vơ là bà Thiên Hậu.
Đó là sự thật mà chúng tôi thấy tận mắt từ 50 năm nay, tại miền Nam
nước Việt. Còn đây là sự thật tìm thấy trong sách Tàu.
Xét tôn giáo của Trung Hoa cổ thời, không thấy nói có việc thờ cúng tổ
tiên trong dân chúng bao giờ. Sách Lễ ký, thiên Khúc lễ hạ chép: “Thiên tử
thờ cúng trời đất, thờ cúng bốn phương (thần đất tại địa phương), thờ cúng
ngũ tự; đại phu thờ cúng ngũ tự; kẻ sĩ thờ cúng tổ tiên”.