nguyên Tượng Quận. Nhưng ta không nên trách Nguyễn Siêu, vì giáo sư
Trần Kinh Hoà, đáng lý phải biết rộng hơn Nguyễn Siêu, thế mà cũng
chẳng biết Tây Âu và Tượng Quận ở đâu.
Từ năm 1918 đến nay, các nhà học giả bàn cãi với nhau không thôi về
nước Tây Âu và Tượng Quận, không bao giờ mà hai nơi chốn lịch sử ở Á
Đông, lại được các nhà bác học tìm tòi nhiều cho bằng Tây Âu và Tượng
Quận, không phải chỉ là tò mò của những người hiếu học, mà hai nơi đó là
hai nơi then chốt, hai cái chìa khoá mở cửa cho thấy rõ những sự kiện lịch
sử về trước và về sau, nếu định vị trí sai về hai nơi đó thì những gì xảy ra về
sau sẽ hỗn loạn, không còn biết đâu mà theo dõi nữa.
Chung quy chỉ vì các ông không thuộc sử và nhứt là không biết gì hết về
địa lý cổ thời, như chúng tôi đã nói. Giờ muốn biết sự thật chúng ta cần
nhắc sử lại, và cần viết lại địa lý cổ thời, bằng vào những tài liệu tản mác đó
đây, viết cho thật đúng, không được phép mơ hồ nữa.
Ta cần ngược dòng thời gian, đi về lối Khổng Tử, rồi từ đó thả xuôi dòng
cho đúng nẻo, mới mong khỏi lầm lạc.
Ở đây, chúng tôi trích một câu Xuân Thu của Khổng Tử, câu nầy sẽ được
khai thác lại ở chương khác, cho một vấn đề khác.
Theo Xuân Thu thì năm 317 T.K. Ngô Khởi, một phản tướng của nước
Ngụy, xuống đầu nước Sở, nước nầy bấy giờ đã nuốt mất nước Ngô và
nước Việt Cối Kê rồi. Tướng họ Ngô thực thi một chánh sách mới là ký
hiệp ước thân hữu với các quốc gia Bách Việt ở phía nam Cối Kê.
Đó là những quốc gia nào, ta chưa cần biết ngay tức thì và ta cần xét lại
việc khác nữa, cấp bách hơn.
Bẵng đi 99 năm, sử Tàu không buồn nói đến các quốc gia Bách Việt đó
nữa.