Sự rối loạn bắt đầu, sau 99 năm im lặng ấy, chỉ rối loạn ở phía vùng Bách
Việt chớ chuyện bên Tàu thì rất rõ: Chư hầu Tần lớn mạnh, nuốt cả Hoa
Bắc, rồi nuốt luôn Sở trong lòng nước Sở vốn đã có nước Ngô, nước Việt,
binh Tần chỉ đánh tới huyện Cối Kê rồi thôi.
Khổng Tử viết sử có đúng hay không? Nếu không, ta cũng chẳng làm sao
được, vì đó là tài liệu độc nhứt, và phụ đề của Tả Khâu Minh cũng là tài
liệu độc nhứt. Nhưng nếu cho rằng Khổng Tử bóp méo sự thật thì ngài bóp
méo các việc khác, chớ chẳng bóp méo làm gì biên giới cực Nam của nước
Trung Hoa vào thời đó.
Thế thì ta có thể tin rằng Khổng Tử viết đúng.
Vậy vài quyển sử Tàu mà sử ta cóp lại viết rằng Dương Việt ăn xuống tới
Phúc Kiến (có người viết rằng ăn xuống tới Giao Chỉ) đều sai.
Khổng Tử mà có sai, chúng tôi cũng ít lắm có dựa vào Khổng Tử, còn
những quyển sách khác thì không có dựa vào đâu hết, hoặc dựa vào những
quyển sách đời Tống về sau, những tác giả ấy không làm sao mà biết sự thật
lịch sử thời Xuân Thu cho bằng Khổng Tử.
Vì đây là biên giới thật đúng ở cực Nam Trung Hoa dưới đầu đời Tần.
Đó là Ngũ Lĩnh, tên của năm dãy núi lớn và cao, có đèo (passes). Năm dãy
núi đó ở đâu và tên gì?
Ông H. Maspéro, L. Aurousseau và R. A. Stein với một ông Việt là sử
gia trào Nguyễn, Nguyễn Siêu, đã phải dày công làm con mọt sách mới tìm
được vị trí của năm dãy núi đó, vì sử Tàu xưa lộn xộn như một trận thế tru
tiên. Mặc dầu có vài quyển cổ thư Trung Hoa viết sai quá xa, các ông trên
đây vẫn loại lần để tìm biết đúng sự thật. Nhưng nếu chúng tôi kể lại đây,
chắc người đọc sẽ chóng mặt và nhức đầu lắm trong mớ bòng bong hỗn độn
mà sử Tàu xưa chồng chất lên nhau.