Đây là dịp mà ta cần biết Thục Phán là ai, mà từ xưa đến nay không sử
gia nào tin là tên Phán ấy là con của vua Thục, mặc dầu thiên hạ tôn kính sử
Tàu đến mê muội, nhưng trường hợp nầy, sử Tàu viết đúng lại bị họ nghi
ngờ.
Cách đây không lâu, một nhà bác học Trung Hoa, ông La Hương Lâm, có
nghiên cứu một nhóm người thiểu số ở Quảng Tây mà Tàu gọi là Khách
Gia và khám phá ra rằng Khách Gia đích thị là người Ba Thục di cư xuống
nước Tây Âu, sau khi bị Tư Mã Thác diệt quốc.
Chúng tôi không có tài liệu đó để xem ông ấy trưng bằng chứng cách
nào, nhưng đồng thời với ông ấy, chúng tôi cũng nghiên cứu về người
Khách Gia, ngay tại Chợ Lớn.
Từ Quảng Tây sang Chợ Lớn, người Khách Gia (Quảng Đông đọc là Hạc
Cá) được Pháp gọi là Hakkas, nhưng Nam Việt gọi là Hẹ, vì họ tự xưng là
Hẹcka, tức họ nói tiếng Tàu sai giọng, Hẹcka bị thu lại thành Hẹ.
Như đã nói, để làm chương Ngôn ngữ tỷ hiệu, chúng tôi phải học tất cả
ngôn ngữ Á Đông. Ban đầu chúng tôi ngỡ họ là người Tàu ở Quảng Tây,
tức người Tây Âu xưa bị đồng hoá, nhưng hỏi họ, và tra lại sử Tàu, thì
không phải thế, mà lại đúng y như nhà bác học Trung Hoa trên kia đã nói.
Họ còn nhớ là tổ tiên của họ đã từ Ba Thục đi xuống, mặc dầu câu chuyện
đã cũ hơn hai ngàn năm rồi.
Hiện họ nói tiếng Tàu, sai giọng cố nhiên, nhưng y như người Quảng
Đông, người Mân Việt, người Triết Giang, họ còn giữ được non một trăm
danh từ của họ mà ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu chúng tôi còn gọi là cổ ngữ
Ba Thục. Cổ ngữ Ba Thục, xem ra chỉ là ngôn ngữ Mã Lai, y hệt như cổ
ngữ Tây Âu, cổ ngữ Mân Việt, kim ngữ Chàm chớ không có gì lạ hết.
Cái nhóm Hẹ nầy tưởng phải được nghiên cứu tỉ mỉ hơn các nhóm khác,
vì họ có dính líu với cổ sử của ta và ta đã ngộ nhận rối ren về đoạn sử nước