Chương III Cổ Thục, Tây Âu và
chi Thái
Ở đây chúng tôi nhảy vọt. Ta chưa xét đến chi Mã Lai Lạc mà lại xét về
chi thứ nhì là chi Âu tức Thái. Nhưng chúng tôi cần làm sai nguyên tắc cho
trí nhớ người đọc không bị đứt đoạn, khi ta vừa nói sơ đến nước Tây Âu ở
chương trước.
Nước Tây Âu bí mật nầy, từ xưa đến nay, chưa có quyển sử nào viết rõ về
nó, nhứt là về dân của nước ấy, xưa tên gì, nay tên gì, và đây là lần đầu mà
một chi lớn của nhóm Mã Lai ở Trung Hoa được nghiên cứu với ba quốc
gia hùng mạnh của chi đó, vào cổ thời.
Tần xua quân xuống đánh vùng Ngũ Lĩnh, tức ở ngoài đất Dương Việt
(theo Khổng Tử) và nói đến ba nước; đó là nước Đông Âu, nước Mân Việt
và nước Tây Âu.
Thắng trận xong, họ chia cả ra thành quận huyện của họ. Đông Âu là
quận nào, Mân Việt là quận nào thì ai cũng đồng ý rồi, và đồng ý cả về địa
bàn ngày nay của các nước xưa đó nữa là:
Đông Âu = Nam Triết Giang + Bắc Phúc Kiến
Mân Việt = Phúc Kiến và mấy phủ ở Quảng Đông (các phủ Triều Châu)
Tới đây thì mọi việc đều rõ, và bắt đầu từ đây, rối loạn xảy ra, mặc dầu
sử Tàu cũng đã nói rõ. Phần đất còn lại là đất của nước Tây Âu, và đất đó,
Tàu chia ra thành ba quận: Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận.