Rối loạn, như đã nói, và xin nhắc lại một lần nữa, bởi điểm nầy rất quan
trọng, vì ta và Tây hiểu lầm sử Tàu.
Sử Tàu viết rằng:
Tượng Quận = Giao Chỉ
Tây Âu = Giao Chỉ
Nhưng cái Giao Chỉ đó phải hiểu là Giao Chỉ bộ, có ngay sau Lộ Bác
Đức và gồm tất cả các thuộc địa mới của Tàu ở phương Nam.
Nhưng ta và Tây cứ hiểu rằng đó là Giao Chỉ quận mà Giao Chỉ quận thì
chỉ là Bắc Việt mà thôi, cái Giao Chỉ thứ nhì nầy, mãi đến đời Tam Quốc
mới có vì Tàu tách Giao Chỉ bộ làm hai, phía trên đặt tên là Quảng Châu,
phía dưới đặt tên là Giao Châu. Trong Giao Châu có ba quận: Giao Chỉ,
Cửu Chơn và Nhựt Nam.
Vì Giao Chỉ bộ chỉ thọ có vài trăm năm còn Giao Chỉ quận (Bắc Việt)
tồn tại mãi cho đến đời nhà Đường, nên cả ta lẫn Tây cứ bị ám ảnh về Giao
Chỉ II, hễ sử Tàu nói đến giản dị là nghĩ ngay đến Bắc Việt cũng như hễ họ
nói đến Việt là ta nghĩ ngay đến ta mà quên mất rằng có đến Bách Việt.
Có rất nhiều nhà trí thức Việt Nam lại còn tưởng rằng họ không có lầm,
họ biết cái Giao Chỉ bộ ấy, nhưng dầu cho Giao Chỉ bộ có to hơn bao nhiêu,
to đến đâu, cũng cứ là đất của ta, mà người tin tưởng như vậy trước tiên, có
lẽ là vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Với những người tin tưởng như vậy thì ta không còn đưa ra hai cái Giao
Chỉ để mà làm bằng chứng nữa được, mà phải chỉ đích xác dân ở trên Cao
Bằng, Lạng Sơn, hồi cổ thời là dân nào, có phải là dân Việt Nam hay
không.