Vì không nuốt trôi được sự kiện kỳ dị đó, nên nhà bác học V. Goloubew,
thuộc Viện Viễn Đông bác cổ mới phúc trình tại Bá Lê năm 1936, cuộc phúc
trình về khảo tiền sử ấy rồi được in thành tập. Trong tập Le peuple de Đông
Sơn, ông viết: “Cái nền văn minh đó (tức văn minh Đông Sơn) tiết lộ cho ta
thấy những dây liên hệ sâu đậm với văn hóa Mã Lai, thế nên không có vấn
đề xem dân Đông Sơn là tổ tiên trực tiếp của dân Annam hiện nay (mà văn
hóa mang màu sắc Trung Hoa)”.
Những chữ ở trong dấu ngoặc là do chúng tôi tự ý thêm vào cho rõ nghĩa
câu nói của ông V. Goloubew.
Nhượng Tống, giáo sư Kim Định và sử gia Phạm Văn Sơn nói là các ông
Tây, Thụy Điển, Hòa Lan làm cho trí thức ta thắc mắc. Nhưng chính các
ông Tây đã phủ nhận rằng: tổ tiên ta là Mã Lai đó chớ.
Các nhà học giả đã ngộ nhận vì lý do sau đây. Ta cứ nhìn nhận càn rằng
nền văn minh Đông Sơn là của tổ tiên ta, mà nó lại có tánh cách Mã Lai, thế
nên rồi ta cứ hiểu càn rằng các ông Tây cho rằng tổ tiên ta là Mã Lai.
Thật ra thì các ông Tây không bao giờ nhìn nhận nền văn minh Đông Sơn
là của tổ tiên ta, như cuộc phúc trình của ông V. Goloubew đã cho thấy, vì
cái lẽ họ không thấy ta là Mã Lai, trong khi đó thì Đông Sơn là Mã Lai rõ
rệt.
Người ta chỉ nói Đông Sơn là Mã Lai, và phủ nhận nó là của tổ tiên ta.
Còn ta thì nhận càn, thành thử cái yếu tố Mã Lai dính chặt trong nền văn
minh Đông Sơn bị lôi cuốn theo. Thế nên mới có việc tin mạnh và đính
chánh ầm ĩ.
Thật là quái dị, cái hiện tượng đó, về đủ cả mọi mặt. Người ta phủ nhận
Mã Lai Đông Sơn là tổ tiên ta thế mà trí thức ta lại viết cả những quyển
sách thật dày để đính chánh nguồn gốc Mã Lai của ta, làm như khoa học đã
quả quyết xong rồi, phải cãi cho kỳ được mới nghe.