Chúng tôi nói rực rỡ không phải là nói quá đâu. Một nhà bác học trong
nhóm đó có thử nghĩ ra một biến cố như sau. Nếu có thiên tai khủng khiếp
nào xảy ra tại nước Huê Kỳ và tiêu diệt tất cả thì hai ngàn năm sau, loài
người tới đó, cũng chỉ tìm được vài ngàn món đồ bằng đồng thau, y như ở
Bắc Việt và Đông Sơn, chớ những gì bằng sắt, bằng lụa, bằng gỗ, bằng gạch
sẽ đều mục nát hết.
Như thế, ta đoán biết được rằng ngoài hàng ngàn món đồ bằng đồng thau
đó, dân Đông Sơn hẳn có hàng vạn thứ khác nữa, cùng mức độ khéo léo
tinh xảo như đồ đồng thau, tất cả hợp lại thành một nền văn minh mà trong
đó đời sống của dân chúng có thể xem là khá tốt đẹp.
Nhưng ranh giới giữa Cổ Mã Lai và Kim Mã Lai không rõ rệt lắm, và
người Đông Sơn không chắc lắm là giống đồng bào Thượng ngày nay về
vóc dáng còn về mức sống thì hẳn phải hơn, như cổ vật cho thấy.
Các ông Tây không tự ái xằng như ta, nhưng các ông cứ vùi đầu vào nền
văn minh Đông Sơn và ngỡ nguồn gốc dân tộc ta ở đó.
Chúng tôi bảo rằng các ông thiếu tinh thần khoa học, không phải là
chúng tôi phách lối dám coi thường cả các nhà bác học của Viện Viễn Đông
bác cổ, nhưng sự thật là thế. Đã bảo làm thế nào mà nguồn gốc của một dân
tộc lại nằm tại giai đoạn đồng pha cực hạ (basse époque de bronze) được hở
trời!
Vì thế mà rồi các ông bị mất nửa thế kỷ. Quả thật thế, các nhà bác học ấy
đều lâm vào một ngõ bí mà chúng tôi gọi đùa là ngõ bí Đông Sơn, bí không
phải về nền văn minh đó mà họ biết rất rõ, mà về một điểm sử của nước
Việt Nam, khi họ đặt ra câu hỏi: “Người Đông Sơn có phải là tổ tiên của
người Việt Nam hay không?”.
Đã thấy quá rõ rằng họ là Cổ Mã Lai, còn người Việt Nam thì không có
gì là Mã Lai cả thì làm thế nào để ráp nối Đông Sơn với Việt Nam được?