Thật ra thì ông O. Jansé có thử chứng minh, chứng minh của ông khá
vững, nhưng khoa học không công nhận, cho là không vững.
Trong tập phúc trình nói trên, ông viết ngay ở mấy trang đầu, chớ không
phải nơi chương kết luận: “Cứ theo lời dân làng thì chỗ đó (chỗ mà phái
đoàn Viện Viễn Đông bác cổ sắp sửa thám quật lần đầu, tại Đông Sơn)
không bao giờ được ai đả động tới vì lẽ bí mật gì không biết (For reasons
unknow to them). Xem ra thì nơi đó chắc là nơi kiêng kỵ vào thời cổ (taboo
in ancient times) và cả khi sự kiêng kỵ bị quên rồi, dân làng vẫn tiếp tục
kính trọng nơi đó vì truyền thống. Tôi (lời ông O. Jansé) nghĩ rằng sự kiêng
kỵ ấy có lý do nầy là đất ấy ngày xưa dùng làm nơi chôn cất (cho những
nhơn vật quan trọng)”.
Đoạn văn trên đây, ngụ ý rất minh bạch, không thể hiểu lầm: dân làng
Đông Sơn ngày nay là hậu duệ của dân Lạc Việt tiền Mã Viện. Nếu có sự
đứt đoạn trong dòng thế hệ, nếu dân làng ngày nay là hậu duệ của người
Tàu di cư sau Mã Viện như sử gia Nguyễn Phương nói thì không làm sao
mà có cái truyền thống kính trọng đất thiêng nói trên.
Dân làng Đông Sơn ngày nay (tức năm 1924) giữ truyền thống của dân
Đông Sơn Lạc Việt, thế nghĩa là không có sự đứt đoạn, không có dân tộc
khác xen vào.
Thế nghĩa là:
Đông Sơn = Việt Nam
Tuy nhiên, khoa học cứ đòi hỏi hơn, vì có thể người Việt Nam ngày nay
vốn là người Tàu (theo sử gia Nguyễn Phương) vẫn sợ cái gì mà cổ dân vốn
thuộc chủng khác đã sợ hãi, vì họ được chứng kiến sự sợ hãi của thứ cổ
dân đó khi họ mới đến, mới chung đụng với cổ dân đó. Rồi cổ dân đó bị họ
tàn sát hết, nhưng họ cứ còn sợ nổi sợ cổ thời của dân bị diệt chủng.