Vì thế mà chúng tôi cho rằng chứng minh của ông O. Jansé khá vững,
nhưng khoa học không nhìn nhận.
Thật ra thì các nhà bác học ấy không tha thiết lắm trong công việc tìm
nguồn gốc của dân tộc ta, vì đó không phải là công việc của họ. Họ nghiên
cứu nền văn minh Đông Sơn chỉ vì nền văn minh Đông Sơn. Nền văn minh
ấy, tự nó, có giá trị riêng. Họ không phải là sử gia, và dùng kết quả khảo
cứu cách nào cho đúng để viết sử là công việc của sử gia chớ không phải
của họ là những nhà khảo tiền sử.
Phương chi họ lại đang bí vì không thể lập ra được cái tam đoạn luận nói
trên, nên đã không tha thiết, họ bỏ trôi luôn.
Họ là nhà khảo cổ, và họ đã làm xong sứ mạng, y như cố đạo L. Cadière
nói, còn về sau, các sử gia tự ý kết luận sao đó thì kết luận. Họ chỉ dại dột
kết luận về mặt sử học, để cho phải sai lầm, cả hai ông đều sai, cách nhau
mười năm.
Vì quá bí, nên họ chỉ còn biết say mê những gì họ làm được chớ không
bận tâm đến nguồn gốc dân tộc Việt Nam nữa. Vì vậy mà vấn đề cứ còng
lòng dòng hoài.
Cuộc sa lầy, nằm tại chỗ không nối kết được Mã Lai với Việt Nam, mà
nếu có nối kết được, cũng còn cứ sa lầy như thường, vì, như đã nói, nguồn
gốc của một dân tộc không làm sao mà nằm tại giai đoạn đồng pha, hơn thế,
đó là giai đoạn cực hạ vì kỹ thuật đồng pha Đông Sơn đã là nghệ thuật rồi,
thì giai đoạn Đông Sơn là giai đoạn quá mới, tương đối với thượng cổ sử
của một dân tộc.
Tuy nhiên, các ông Tây khác, sau đó, vẫn có thử nối kết Mã Lai với Việt
Nam, các ông có thành công phần nào, nhưng đó chỉ là công dã tràng vì
nguồn gốc dân ta sao mà nằm tại thời đại đồng pha được kia chớ.