Trong khi đó trí thức Việt Nam lại lấy một thái độ dễ dãi và vô lý nầy là
nhận càn nền văn minh Đông Sơn là của tổ tiên ta.
Nhưng tất cả ba thái độ, ba khuynh hướng trên đều phản khoa học:
1. Ông V. Goloubew phủ nhận quá sớm khi chưa nỗ lực tìm ra cái
đẳng thức Việt Nam = Mã Lai.
2. Trí thức ta không thèm tìm gì hết mà cứ nhận. Họ nhận Đông Sơn
là tổ tiên mà không đưa ra được lấy một bằng chứng nhỏ rằng ngày
nay ta cứ còn là Mã Lai.
Có người còn làm một cuộc loại trừ rất là buồn cười. Họ nhận Đông Sơn
là tổ tiên ta, nhưng không nhận Đông Sơn là Mã Lai. Họ làm như là một bà
nội trợ, đi chợ, chọn món ngon thì mua, món dở thì thôi, nền văn minh đó
rực rỡ thì họ nhận, còn Cổ Mã Lai không rực rỡ thì họ phủ nhận. Họ quan
niệm sai lầm rằng làm Cổ Mã Lai xấu xa lắm vì họ thấy người Cổ Mã Lai ở
Cao nguyên không bảnh.
Nhưng viết sử khác với mua ăn. Tổ tiên ta hay dở gì ta cũng phải nhìn
nhận trọn vẹn, chớ không thể chọn lựa. Cha tôi là tướng cướp, tôi cũng
đành chịu vậy, còn tôi nói ngọng cha tôi cũng đành chịu vậy, không ai chọn
ai được cả.
Đây là việc thừa tự chớ không phải là một cuộc kết hôn, phương chi lắm
khi trong cuộc kết hôn, người ta cũng có thể bị đẩy vào cái thế không thể
lựa chọn.
Thí dụ quân lính của Mã Viện họ hiếp con gái Lạc Việt, sau khi tàn sát
hai bà Trưng, cho đẻ ra Tàu lai, con gái Lạc Việt lựa chọn được hay không?
Nhưng như đã nói, Cổ Mã Lai không có gì xấu xa hết và chúng tôi đã
tiếp xúc với đồng bào Thượng, đã thương mến họ vì đức tính và đạo đức
của họ, nó hơn hẳn ta nhiều bực. Thế nên chúng tôi mới nêu câu nói của bác
sĩ Haurd ở trang đầu sách nầy.