Như vậy phương pháp làm việc là tìm những cái khoen trung gian đó,
chớ không phải cứ vội bận tâm về việc nhìn nhận hay phủ nhận.
Chừng nào tìm được rồi thì vấn đề mới được giải quyết, bằng chưa thì cứ
để cho nó lòng dòng, không ai có quyền hối thúc, bắt ép ai phải nhìn nhận
hay phủ nhận ngay từ năm 1936, hay vào năm nay (1964) hoặc trong 50
năm nữa.
Ông V. Goloubew không tìm tòi đến chốn mà cứ dám phủ nhận, còn ông
O. Jansé tìm không thấy lại cứ dám nhìn nhận, thì thật là kỳ, mà kỳ nhứt là
trí thức ta, không tìm tòi gì hết, vậy mà vẫn cứ nhận, lại nhận có điều kiện
nữa chớ!
Lý trí, kinh nghiệm và khoa học dạy ta rằng không phải nền văn minh cổ
nào nằm trong lòng đất ta, đều là của tổ tiên ta. Không, cách đây hai ba
ngàn năm, rất có thể có một dân tộc khác làm chủ đất ta ngày nay thì cho
rằng nền văn minh Đông Sơn nhứt định phải là nền văn minh của tổ tiên ta,
không khoa học chút nào hết.
Không thể chắp nổi hai nền văn minh khác tánh cách lại với nhau khi
không đưa ra được những cái khoen trung gian chứng tỏ có sự biến dạng,
mà sự chắp nối ấy còn giá trị khoa học nào.
Nhận văn minh Đông Sơn là của tổ tiên ta, thì quá dễ, bởi nền văn minh
đó không có chủ, chẳng ai tranh giành với ta, nhưng ta có yên tâm được hay
không, khi nhận càn, không chứng tích?
Cả ba khuynh hướng trên đều là khuynh hướng bí và nó đưa tới những
kết quả không được khoa học công nhận, và chính lương tâm của ta cũng
không công nhận nữa.
Thế nên, để an lòng mình, ông O. Jansé của khuynh hướng thứ nhì mới
viết: “Bọn phiêu lưu tiên phuông Tàu là thợ giỏi nên các thủ lãnh địa
phương (Đông Sơn) ưa gả con gái cho họ”.