Kiểm soát thứ tư được đặt thành câu hỏi sau đây: Hai bọn Mã Lai ấy định cư cách
nhau đến 17.000 cây số, từ Nam Dương đến Ba Thục và di cư cách nhau 2.500 năm,
có đồng ngôn ngữ nhau hay không?
Có, họ đồng ngôn ngữ với nhau, như thí dụ Lá đã cho thấy.
Tuy nhiên, một chủng lớn như thế phải gồm nhiều phương ngữ, nên rồi các dân tộc
trong chủng đó vẫn không hiểu nhau. Nhưng xét tổng quát thì bọn lưỡi rìu tay cầm
giống hệt nhau, còn bọn lưỡi rìu chữ nhật cũng giống hệt nhau, nghĩa là hai nhóm lớn
đó có ngôn ngữ khác nhau nhiều hơn là mỗi nhóm nhỏ trong một nhóm lớn khác
nhau.
Nói như thế thì quá trừu tượng. Ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu quý vị sẽ thấy rằng Mã
Lai của hai đợt đều có một số danh từ giống hệt nhau như Lá, Cây, Cá, Trăng, Núi,
Đảo, v.v., nhưng Gió, Mây, Mưa, v.v. thì khác nhau.
Trong Mã Lai đợt I mỗi nhóm cũng khác nhau về một số danh từ, thí dụ Nước thì
mỗi nhóm mỗi nói khác.
Trong Mã Lai đợt II cũng thế.
Nhưng sự khác nhau giữa các nhóm của một đợt, nhỏ hơn là sự khác nhau giữa hai
đợt. Miến Điện hiểu Cao Miên dễ dàng, nhưng hiểu Chàm rất khó, trong khi đó thì
Chàm hiểu Mã Lai Nam Dương rất dễ, mà hiểu Miến Điện rất khó, vì Cao Miên
thuộc đợt I, còn Chàm và Nam Dương thuộc đợt II.
Tuy nhiên, có một nhóm có khả năng hiểu tất cả, đó là dân tộc Việt Nam, vì cả hai
đợt di cư đều có ghé và có định cư tại Cổ Việt Nam. Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu đã cho
thấy đúng y như vậy, trái với G. Coedès.
Thí dụ:
Đợt I nói: Mẹ, Má.
Đợt II nói: Inang, Ina.
Dân Việt Nam thuở xưa vừa nói Mẹ mà vừa cũng nói Nạ (trong câu tục ngữ: Đợi
Nạ thì má đã sưng).