Ở một nơi khác, giáo sư lại càng đích xác hơn. Ông nói rõ rằng Tần là Khuyển
Nhung chớ không phải bất kỳ Việt nào đâu.
Mặt khác ông lại viết rằng vua nhà Tây Chu thấy mặt mày Khuyển Nhung hung
tợn quá nên sợ hãi, thiên đô về Đông. Nhưng lúc thiên đô lại nhờ Khuyển Nhung hộ
tống.
Đã sợ người ta đến phải thiên đô thì cứ ở lại với người ta chớ sao lại dám nhờ
người ta hộ tống?
Sử Tàu có thể sai khi nói rằng Tần là Tàu. Nhưng phải vạch ra chỗ sai của giai
đoạn đó rồi mới đưa cái khác vào được chớ không thể khẳng định Tần là Viêm Việt
nào đó mà xong đâu. Cũng không thể khẳng định Tần là rợ Khuyển Nhung là yên vì
bao nhiêu tài liệu cũ mà Tư Mã Thiên tìm được, chỉ có sử Tần là còn nguyên vẹn.
Chu và Tần là Tàu 100%, không có Viêm Việt và Khuyển Nhung gì hết.
Sử Tàu có viết Tần làm Bá của rợ Khuyển Nhung sau khi thắng họ. Nhưng câu sử
ấy không hề có nghĩa rằng Tần là Khuyển Nhung.
Giáo sư cũng đã hiểu rằng vua Thuấn là rợ Đông Di, theo một câu nói của Mạnh
Tử. Nhưng đó là lời nói của người Tàu đời xưa, chớ vua Thuấn chỉ là người Tàu
được phong đi trị đất của rợ Đông Di mà thôi. Người Tần đời xưa chỉ nguồn gốc của
một cá nhơn không bằng chủng tộc mà bằng đất định cư.
Giáo sư lại viết: “Nhà Chu du mục”. Và theo giáo sư du mục là Tàu, còn Việt là
nông nghiệp. Nhưng giáo sư lại viết: “Nhà Chu học với nhà Thương rồi lần lần cảm
hoá theo văn minh Hoa Hạ”.
Vậy Chu là Tàu hay là Việt? Nếu Chu là Tàu thì Chu là Hoa Hạ, chớ không có cảm
hoá theo Hoa Hạ gì hết. Bằng như Chu là Việt thì khi nhà Chu sợ Việt Khuyển Nhung
hoá ra Việt thấy mặt Việt mà thất đảm thì thật khó hiểu.
Tại sao giáo sư Kim Định lại mâu thuẫn khi nói về các nhà đó, chớ không trơn tru
như sử Tàu? Là vì sử Tàu viết đúng sự thật, còn giáo sư thì không, mà hễ không đúng
thì dĩ nhiên phải mâu thuẫn.
Từ Phục Hy, Nữ Oa đến Tần, không có ai là Tàu, mà chỉ là Việt không mà thôi,
nhưng lại không hề có sọ Việt ở Hoa Bắc suốt bao nhiêu ngàn năm Việt định cư và