Ta phải hiểu thế nào đây?
Rất nhiều người chớ không riêng gì giáo sư Kim Định cứ phàn nàn khoa học hẹp
hòi, vì khoa học đòi hỏi những cái mà họ không thể tìm được, nó ngăn họ lập thuyết
theo ý muốn.
Nhưng một vị giáo sư đại học không được phàn nàn như người thường vì giáo sư
đại học phải biết điều nầy là khi một dân tộc có định cư ở một nơi nào vào cổ thời thì
luôn luôn họ có để dấu vết lại, sọ và vật dụng, không hề có ngoại lệ.
Như vậy sự đòi hỏi của khoa học không phải là một vụ làm khó dễ ai, và một
người có văn hoá tổng quát phải chấp nhận sự đòi hỏi ấy, xem nó là chính đáng, hơn
thế, là cần thiết, bằng không thì bất kỳ ai cũng lập ra được bất kỳ thuyết nào mà họ
ưng ý hay sao.
Giáo sư đã lầm khi căn cứ vào Granet và Maspéro. Hai ông đó dựa trên sách vở
đời Chu, thấy có sự giống nhau giữa văn hoá các “man di” và văn hoá Tàu, cho rằng
có sự đồng văn vào thời cổ hơn.
Quả có sự đó thật, nhưng cổ hơn, cũng chỉ là cổ vào đời Hạ mà Hoa chủng di cư
vào đất Việt, chớ vào thời Hiên Viên thì không, bởi sự va chạm ban đầu giữa hai
chủng quá khốc liệt và kẻ bại trận chạy đi hết cả, không có ở lại để mà hợp văn.
Sử của giáo sư Kim Định thật là kỳ dị. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ Tần; theo các
quan niệm của giáo sư.
Giáo sư cho rằng Tần là Việt. Nhưng nó nghịch hẳn với câu tục ngữ Tàu là Tần phì
Việt sấu. Nhơn thể tính ấy cho biết rằng họ là hai dân tộc, lại còn chỉ rõ họ thuộc hai
chủng khác nhau, một chủng ăn thịt và ăn lúa mì đến phì, một chủng ăn gạo, ăn cá
nên sấu.
Nhưng khi Tần Thỉ Hoàng lên núi Thái San để chiêm ngưỡng Ngọc Hoàng
Thượng Đế thì giáo sư lại cho rằng đó là Tàu cảm hoá theo văn minh Việt vì núi Thái
San nằm trong đất của rợ Đông Di, mà rợ Đông Di là Việt.
Vậy Tần là ai? Tàu hay Việt?