Người ta đã có bằng chứng đích xác rằng mãi đến mạt điệp nhà Chu, Tàu mới theo
phụ hệ, thì làm gì có sự kiện phụ hệ Hiên Viên bị mẫu hệ Việt xỏ mũi.
Chữ Tánh của Tàu viết với chữ Nữ và chữ Sinh. Đó là dấu vết theo họ mẹ, và văn
tự thì có trước đời Chu.
Những cái họ lớn của Tàu như Nghiêu, như Cơ, tổ nhà Chu đều viết có chữ Nữ.
Năm 1898, lụt to ở sông Ngươn tại Bắc Hà Nam, làm lở đất, để lộ một kinh đô nhà
Thương tại một làng trong huyện An Dương.
Chữ ở mu rùa và xương thú đều cho biết rằng người Tàu thờ mẹ và bà ngoại, chớ
không phải thờ cha và ông nội.
Chuyện của vua Nghiêu nhường ngôi cho rể là vua Thuấn cũng rất có ý nghĩa.
Như thế còn đâu là phụ hệ Hiên Viên và mẫu hệ Việt và thuyết lịnh ông cồng bà
Hoa Việt chỉ là một huyền thoại mới sáng tác.
Nhưng giáo sư Kim Định đã bảo nhà Thương là Việt, mà như vậy thì phù hợp với
chủ trương của ông. Chính Chu mới là Tàu du mục, cướp văn minh của Thương nông
nghiệp, tiếp theo cuộc cướp bóc của Hiên Viên.
Chỉ phiền là một kinh đô của nhà Thương, kinh đô Triều Ca đã được khám phá,
đào bới, và văn tự của Thương lại là chữ Tàu.
Tuy nhiên, giáo sư Kim Định cũng cứ có lý hoài, nếu theo luận điệu của ông.
Chính cái thứ văn tự ấy là của Việt bày ra, theo giáo sư. Và ông giành hết, cả Phục
Hy cũng là Việt nữa, thì chữ đời Thương mà ta ngỡ là chữ Tàu, lại là chữ của ta.
Nhưng tại sao bọn bị ăn cướp, lúc chạy đi, lại không mang chữ nghĩa theo, đợi đến
lúc bị Mã Viện chinh phục rồi mới học lại chữ Việt mà Tàu cướp, nói là của họ.
Nếu họ có mang chữ đó theo thì họ đã có một cuốn sách tương tự như Hậu Hán
thư, nhưng trong đó cuộc dấy quân của hai bà Trưng được trình bày dưới một quan
điểm khác.
Có lẽ họ đã có một quyển sách như thế, nhưng Mã Viện đã cướp mất rồi chăng.