Từ trang một đến đây, chúng tôi gọi ông G. Coedès là Nguyên viện trưởng. Nhưng
ông đã thất lộc rồi khi quyển sách nầy viết xong. Chúng tôi không đổi chữ Nguyên
thành chữ Cố vì sự thay đổi ấy không quan trọng lại làm mất thời giờ. Vậy xin chỉ
nói qua một lần ở đây thôi.
Kiểm soát thứ năm: Các nhà khảo tiền sử đều không biết cổ sử Tàu, người tóm
lược là ông G. Coedès cũng không biết, nên ông thử tìm lối giải thích lý do của hai
cuộc di cư cách nhau 2.500 đó.
Ông viết rằng cả hai bọn ấy đều di cư vì tiếng kêu gọi của biển cả! Đó là một sai
lầm quá thô sơ. Mặc dầu không thạo sử Tàu từ thế kỷ 1 sắp lên, ông phải biết đại
khái, mà một cuộc Nam chinh đã cho ông thấy rõ, và ông có nói đến, đó là cuộc Nam
chinh của Tần Thỉ Hoàng.
Chủng Mã Lai chạy đi chỉ vì bị Hoa tộc đánh đuổi để lấn đất, chớ không hề được
ai kêu réo hết.
Ông lại giải thích tại sao họ lại di cư xuống Đông Nam Á lục địa mà ông gọi theo
xưa là Đông Dương: đó là vì ở đó có những lưu vực sông phì nhiêu: Hồng Hà,
Mékong, Mé Nam, Salouen, v.v.
Chớ ở phía đông Trung Hoa lại không có lưu vực sông à, mà sông còn to hơn
nhiều: đó là Hoàng Hà, sông Hoài, Dương Tử Giang và Tây Giang.
Ông không biết sử Tàu, nhưng nếu ông suy luận có khoa học ông cũng biết được
tại sao họ không mê biển bằng cách chạy ra hướng đông và chỉ chạy xuống phương
Nam. Vì Hoa tộc đánh tràn từ trên xuống trong một mặt trận dài từ Tây sang Đông.
Tây Đông gì cũng bị Tàu giựt hết rồi. Họ không hề mê sông Hoàng Hà, sông
Mékong, song Mé Nam nào hết.
Kiểm soát thứ sáu: Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử gây ngộ nhận nơi giới bác học.
Họ bảo bọn di cư thứ nhứt chưa biết trồng trọt, nhưng họ phải theo dõi bọn đó, chớ
không được phép dừng chơn tại các lưỡi rìu đá mài có tay cầm ấy.
Bọn đó, tới các địa bàn mới, tiếp tục tiến và tự lực tiến đến thời đại đồng pha và
nông nghiệp, vì người ta bắt được cái lưỡi rìu có tay cầm đó, bằng đồng pha, tại Núi
Voi (Bắc Việt) với bên cạnh lưỡi rìu, đồ đất nung và dụng cụ để biến chế mễ cốc mà
ăn.