Đó là sơ sót gây ngộ nhận không nhỏ.
Vua Hùng Vương, như ta sẽ thấy, thuộc bọn di cư đợt I, tức họ tiến lên rất cao, đến
chế độ đồng pha một cách tự lực, không nhờ ảnh hưởng ngoại lai như ông O. Jansé
đã nói, cả hai đợt đều tự lực tiến lên.
Đó là tình hình ở Cổ Việt Nam. Còn ở Cổ Nhựt Bổn thì hơi khác.
Ở Nhựt Bổn, khoa khảo tiền sử tìm được hai giai đoạn văn minh. Giai đoạn
Thượng cổ được đặt tên là giai đoạn Thằng Văn, bọn nầy biết làm đồ đất nung rất là
thô sơ. Đó là bọn di cư đợt I, đã tự lực tiến lên, tại địa bàn mới, nhưng chỉ tiến tới đó
mà thôi, tuyệt đối không có dấu vết tiến thêm của họ.
Giai đoạn văn minh thứ nhì được đặt tên là giai đoạn Di Sinh. Đó là nền văn minh
của bọn di cư đợt II, giống hệt bọn đợt II ở Cổ Việt Nam mà đồ đất nung khéo hơn
nhiều, lại đã biết trồng trọt, biết kim khí.
Thế nên ở Nhựt Bổn chính bọn đợt II lãnh đạo bọn đợt I, và ngôn ngữ Nhựt Bổn
giống ngôn ngữ của Mã Lai Việt Nam.
Bọn Di Sinh chiếm một vùng gần Đông Kinh ngày nay. Đó là vùng đất hoang vu
cách đây 2.500 năm. Còn những vùng ở Tây Nam, gần Đại Hàn, thì đã bị bọn đợt I
chiếm mất rồi. Nhưng bọn đợt II đã lập ra ở địa bàn hoang vu đó một quốc gia tên là
Yumato mà Tàu phiên âm là Da Mã Đài, và chính quốc gia Yamato đã chế phục các
tiểu bang của đợt I cho tới ngày nay.
Chỉ có một điểm khó nuốt trôi là bọn Mã Lai đợt II ở xứ Chàm lại không có trống
đồng bao giờ cả, trong khi đó thì ở khắp các địa bàn Đông Nam Á bọn đợt II đều có
đưa trống đồng tới. Vâng, chúng tôi đã có bằng chứng chắc chắn rằng trống đồng là
phát minh của đợt II chớ không phải của đợt I, mặc dầu ở vào địa bàn định cư mới
đợt I vẫn tự lực tiến đến thời đại đồng pha rồi, khi bọn đợt II tới nơi.
*
* *
Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử cứ làm cho ta ngộ nhận nữa là bọn sau văn minh
còn bọn trước lạc hậu. Họ quên mất 2.500 năm đã trải qua giữa hai cuộc di cư, và bọn
trước đủ thời gian để văn minh bằng bọn sau tại các địa bàn mới khi bọn sau tới nơi.