còn phân biệt được trắng đen, chớ như ở Nhựt Bổn thì đợt II đã nuốt mất đợt I xong
rồi trước kỷ nguyên Tây lịch, không còn phân biệt được là có hai thứ nữa.
Nhựt Bổn lại đã lai giống với Hà Di, nên hoá lùn, nên họ không biết được nguồn
gốc của Nhựt nữa, tưởng đó là thứ dân nào khác mà họ gọi bằng danh xưng bâng quơ
“dân lùn”, viết chữ Tàu là Oải nụy (Miền Bắc đọc là Oa Nô).
Khoa khảo tiền sử làm việc như một anh mù, họ không hề biết Hiên Viên, Hùng
Vương, Câu Tiễn gì cả, nhưng chính anh mù ấy đã soi sáng truyền thuyết và cổ sử
Tàu và ta.
Sử gia Nguyễn Phương biết nguyên tắc làm việc là có khai thác khoa khảo tiền sử,
ông lại nhiều công phu đã đọc Colani Patte, Mansuy rất kỹ, nhưng ba nhà bác học nói
trên chỉ làm việc tại Đông Pháp, thành thử không cho sử gia có được cái nhìn tổng
quát mà sử gia muốn.
Sử gia dừng chơn lại nơi cái lưỡi rìu có tay cầm khá lâu, nhưng chỉ băn khoăn về
những đường rạch Bắc Sơn là một chi tiết không đáng kể.
Cái nhìn tổng quát mà sử gia Nguyễn Phương đòi hỏi, không ai mà có được hết,
mà người ít có hơn cả chính là người đòi hỏi.
Phải đi từng chi tiết một rồi lần dò để tới cái chỗ rộng bao la, rồi bây giờ, từ đó
mới có thể nhìn tổng quát để rút ra những kết luận cần thiết, chớ chưa chi hết mà đòi
hỏi một cái nhìn bao trùm thì làm thế nào thực hiện được.
Công việc mà ông G. Coedès tóm lược lại, đã huy động mấy mươi nhà khảo tiền
sử, mấy mươi nhà địa chất học, làm việc suốt mấy mươi năm ở khắp Á Đông, từ Tây
Bá Lợi Á đến Nam Dương quần đảo, từ Nhựt Bổn đến Tây Vức, tức là họ đi mò chi
tiết ấy như là mò trai, chớ không làm sao mà nhìn rộng được hết.
*
* *
Về chữ Lạc rắc rối và danh xưng Lạc Việt thì ông Đào Duy Anh cũng không có tra
cứu sử Tàu, và cũng cứ đoán. Ông cho rằng ta tự xưng là Lạc vì vật tổ của ta là chim
Lạc. Nhưng chim Lạc được Tàu viết với bộ Điểu chớ không bao giờ với bộ Chuy, bộ
Trãi và bộ Mã cả.