D) Tại sao đều là dân của Câu Tiễn mà bọn di cư sang Nhựt Bổn không có
lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng còn bọn xuống Văn Lang lại có? Có lẽ vì
kỹ thuật tìm mỏ kém nên kim thạch hợp dụng cứ kéo dài rất lâu, đồng pha
quý nên chỉ có quý tộc mới có vũ khí ấy. Bọn đi Văn Lang là quý tộc còn bọn
đi Nhựt Bổn là thường dân.
E) Kinh đô triều ca của vua Trụ đã tìm được và đã được thám quật năm 1943
tại An Dương (Hà Nam). Ở đó có lưỡi rìu tay cầm bằng đồng, nhưng khác
hẳn lưỡi rìu tay cầm bằng đá hay bằng đồng của Mã Lai. Thế nghĩa là Hoa và
Việt không có ảnh hưởng qua lại trước đó. Khoa khảo tiền sử đã cho biết đích
xác cái luật nầy: Khi một dân tộc tiến lên từ đá mài sang đồng pha thì họ chế
tạo đồ đồng pha giống hệt đồ đá mài mà họ có trước đó. Vật liệu khác, kỹ
thuật khác, nhưng hình dáng thì không, mà như vậy trong hàng ngàn năm. Ở
Bắc Việt lưỡi rìu tay cầm nhà Thương thì không giống lưỡi rìu tay cầm của
Mã Lai chút nào.
Đã bảo đồng cóp đã kéo dài hàng ngàn năm thì không thể nói rằng vì nhà Thương
xuất hiện sau Hiên Viên nên lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha của họ đã biến dạng.
Hơn thế, không hề có lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài ở Trung Hoa dưới thời Hiên Viên
và sau thời Hiên Viên.
Tại chưa đào thấy chăng? Có thể, nhưng công việc khảo tiền sử ở Tàu có thể nói là
đã làm xong trước thời Mao Trạch Đông thì cũng khó lòng mà cho rằng chưa kịp tìm
thấy.
Cái tay cầm của lưỡi rìu thì nhiều chủng tộc ở phương trời khác cũng đã có nghĩ
đến, có chế tạo, chớ không phải là biệt sắc độc nhứt của Mã Lai đợt I hay của Tàu.
Như vậy trong trường hợp nầy thì không thể cho là Việt đã cóp của Tàu hay Tàu đã
cóp của Việt mà chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dĩ nhiên là trong sự trùng
hợp đó hai bên không thể nào chế tạo giống hệt nhau được.
Ở Bắc Việt ta tiến từ đá mài lên đồng pha mà cứ giữ nguyên hình dáng cũ, còn nhà
Thương thì dùng vũ khí hình dáng khác, mặc dầu cũng có tay cầm.
Đồ gốm Mã Lai ở Cổ Việt Nam cũng khéo không kém đồ gốm của Tàu, nhưng
cũng lại khác hẳn. Không có lấy một yếu tố Mã Lai nào cả trong đồ gốm Ngưỡng
Thiền, An Dương và Long Sơn, ba trung tâm đồ gốm cổ của Trung Hoa mà giáo sư
Kim Định có ám chỉ đến, có ý muốn gán cho ta nhưng không thành công.