di cư tới địa bàn Ấn Độ có 500 năm là đã từ dã man vượt lên văn minh tột
bực, văn minh hơn cả cổ Ai Cập nữa.
Nước của họ tên gì, không ai biết cả và các nhà khảo cổ ước lượng nó
sinh trưởng từ lối 3.500 năm T.K. đến 2000 T.K. thì bị chủng da trắng
Aryen từ phương Tây đến, diệt đi.
Khi mới khai quật được hai thành phố chôn vùi là Harappa và thành
Mohenjo Daro, thì các nhà khảo cổ thoạt tiên nghĩ rằng đó là thành phố của
dân da trắng, từ Địa Trung Hải đến, tức là dân Aryen.
Nay xét kỹ lại thì đó là thành phố của chủng Mleech'a, vì họ nghiên cứu
lại thánh kinh Phệ Đà của chủng Aryen trong đạo Bà La Môn, thì thấy
thánh kinh nầy nói đến bằng lời lẽ khinh bỉ, một thứ thị dân kia, da đen, mà
họ gặp khi họ xâm nhập Ấn Độ, còn chính họ thì du mục, và da trắng.
Khoa khảo cổ đã làm việc rất nhiều mà không hề đào được thành phố nào
khác, mang tánh cách văn hoá khác. Vậy hai thành phố đào được là của
chủng Mleech'a đã bị đen da rồi, sau khi hợp chủng với Mê-la-nê-diêng.
Thánh kinh Phệ Đà của Aryen da trắng nói rõ rằng đó là thị dân, tức dân
ở thành phố, và da đen. Còn họ thì da trắng và chưa biết cất nhà.
Hai thành phố đã khai quật được là thành Harappa và thành Mohenjo
Daro, được định tuổi là 3.500 năm, cho thấy một nền văn minh có thể nói là
hơn văn minh của Cổ Ai Cập ở nhiều điểm, vì tuy họ chỉ xây cất bằng gạch
chớ không biết dùng đá, nhưng họ giỏi cho đến nỗi gạch của họ, bị chôn vùi
dưới đất ẩm năm ngàn năm rồi mà không hỏng, cả ở bề mặt ngoài nữa, và
họ xây cất cho dân ở, chớ không phải thánh thần như ở Cổ Ai Cập hoặc như
chủng xâm lăng da trắng là chủng Aryen, về sau nầy.
Thành phố gồm toàn nhà lầu, có đường sá rộng lớn, có ống cống, ống
dẫn nước, có cầu xí hầm với bàn ngồi, có chỗ tập trung rác rến. Dân đó biết
dùng đồ đồng và có văn tự để lại (nhưng chưa ai đọc được).